Hơn 30 năm gắn bó, người Sán Chay ở vùng đất Tam Lập (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã thắm cái nghĩa, cái tình với miền đất đỏ phương Nam. Họ đã thân thuộc với đất và người Bình Dương như một phần máu thịt…
Giúp nhau vượt khó thoát nghèo
Hơn 30 năm rời quê hương Thái Nguyên di cư đến vùng đất mới, sáu anh em dòng họ La của người Sán Chay an cư ở vùng đất Tam Lập, huyện Phú Giáo đến nay đã có thêm nhiều con cháu đông vui. Họ đều tập trung sinh sống quây quần bên nhau tại cụm dân cư số 4, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với 34 hộ gia đình.
Trong số đó, phần lớn các hộ gia đình của đồng bào đều có vườn cao su đã cho thu hoạch, kinh tế ngày càng khá giả. Trong thôn làng của người Sán Chay đã mọc lên những căn nhà xây kiên cố với nhiều kiến trúc hiện đại, thấp thoáng trong vườn cây ăn trái mát rượi.
Xóm làng thân thuộc của cộng đồng người Sán Chay ở cụm dân cư số 4, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương ngày nay |
Những năm trước đây, khi mủ cao su đang ở thời kỳ có giá trị kinh tế cao, ước tính bình quân mỗi hộ gia đình anh em dòng họ La ở vùng đất này thu nhập hơn 100 trăm triệu đồng/hecta/năm… Riêng gia đình ông La Văn Sự, ngoài thu nhập từ nương rẫy, ông Sự còn buôn bán thêm mủ cao su nên kinh tế gia đình có phần khá giả nhất xóm làng. “Tổng thu nhập của gia đình chúng tôi từ cây cao su, cây điều mỗi năm khoảng 300 - 500 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, chỉ cần tiết kiệm chi tiêu trong hai năm thì có thể mua được xe ô tô để đi đây đó rồi” - ông Sự nói.
Ông Sự cũng là người nhiệt tình nhất trong dòng họ La nên được bà con họ hàng gần xa trong xóm tín nhiệm và bầu giữ chức sắc “Già làng” (hay còn gọi là người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số). Ngoài việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng người dân tộc thiểu số ở địa phương, ông Sự còn kêu gọi anh em con cháu trong dòng tộc luôn yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, không để bất cứ ai phải thiếu thốn cơm ăn, áo mặc.
Giờ đây, một số anh em trong dòng họ La đều đã ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Cuộc sống của họ nay đã có phần no đủ, hạnh phúc và an vui cùng đàn con cháu. Tự hào về những thành quả có được từ những công lao vất vả do bàn tay mình gây dựng, ông La Văn Bình - người đầu tiên đặt “nền móng” cho cuộc sống của người Sán Chay ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cười vui tâm sự: “Anh em chúng tôi xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp ở làng Hin, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên - một trong những vùng miền núi hẻo lánh và khó khăn nhất ở Thái Nguyên với tứ bề núi đá bao phủ, sương giăng lạnh buốt. Vùng đất đỏ Bình Dương nắng ấm, nghĩa tình đã cho anh em chúng tôi có cơ hội được đổi đời, con cháu có điều kiện được học hành thành đạt”. |
Trong thôn làng trước đây có gia đình chị La Thị Hòa, là con cháu trong dòng họ La thuộc diện hộ nghèo nhất xóm. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự giúp đỡ của bà con thân tộc trong dòng họ, vợ chồng chị nay đã có công ăn việc làm ổn định, có nhà xây kiên cố để an cư và con cái lại được cắp sách đến trường. Cuộc sống gia đình chị hiện nay chính thức đã thoát nghèo.
Tự hào về những thành tích mà mình đã từng đóng góp cho quê hương thứ hai, ông Sự còn khoe: “Năm 2020, tôi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2010 - 2020 nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020. Đây là niềm hạnh phúc và rất vinh dự đối với dòng họ La của chúng tôi ở nơi quê nhà Thái Nguyên và cả nơi miền đất phương Nam này”.
Và cũng chính từ mảnh đất này, đã có 3 thế hệ con cháu cộng đồng dân tộc Sán Chay đã lớn lên. Theo ông La Văn Bình, số con cháu đồng bào sinh ra và lớn lên trên vùng đất mới xã Tam Lập tính đến thời điểm này có khoảng 70 người. Trong đó có 8 cháu đang học đại học; 2 cháu đang học cấp 3 và các cháu nhỏ đều được đến trường… Nhìn các thế hệ con cháu nối nhau khôn lớn trưởng thành là niềm vui của ông Bình lúc tuổi già. Vùng đất Tam Lập này đã dần trở thành quê hương của con cháu trong cộng đồng người Sán Chay, là nơi con cháu của ông sẽ lại trở về để xây dựng mảnh đất quê hương thứ hai nơi mình sinh sống phát triển ngày càng giàu đẹp.
Đất lành đã hóa quê hương
Bình Dương là vùng “đất lành chim đậu”. Từ một cụm dân cư nhỏ của đồng bào Sán Chay dòng họ La sinh sống, đến nay, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã mở rộng đón thêm nhiều đồng bào anh em khác như: người Kinh, người đồng bào Khmer từ nơi khác về đây sinh cơ lập nghiệp. Làng mạc thôn xóm ngày càng thêm đông đúc. Nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang.
Từ một xã nghèo của tỉnh Bình Dương, xã Tam Lập (huyện Phú Giáo) đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển nền kinh tế đa dạng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tam Lập đang được quy hoạch đến năm 2030 có 7 cụm công nghiệp và 2 khu công nghiệp.Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của địa phương là kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư với số lượng lớn, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển, tăng về quy mô và số lượng hộ kinh doanh cá thể, đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu của nhân dân. Đặc biệt, trong tổng số hơn 140 cơ sở kinh doanh cá thể thì có 50 cơ sở thu mua nông sản (mủ cao su) và 3 cơ sở dịch vụ vận chuyển hành khách, đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.
Trên vùng đất kinh tế mới này, người Sán Chay, người Kinh và người Khmer sinh sống đan xen, hoà quyện, văn hoá phong tục đã có sự giao thoa. Tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt và họ đoàn kết, giúp nhau vượt khó thoát nghèo.
Bà Dư Thị Ngoan (quê gốc Thái Nguyên), một người cháu dâu trong dòng tộc họ La của người Sán Chay ở xã Tam Lập, cũng là một trong những người con tiên phong trong cộng đồng người Sán Chay nơi đây, được Đảng và Nhà nước tín nhiệm bầu làm chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Hết nhiệm kỳ, bà được chuyển sang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tam Lập đến nay.
Ông La Văn Sự - người có uy tín trong khối đồng bào Sán Chay ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Năm 2020, ông vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Trong ảnh: Ông La Văn Sự bên vườn cao su của gia đình |
Nhấp chén trà xanh đậm đà nóng hổi được đem từ quê hương Thái Nguyên, dưới sân nhà ông La Văn Sự rợp bóng cây xanh trong ánh nắng chiều, bà Dư Thị Ngoan thảnh thơi tâm tình: “Đi xa quê hương cũng mấy chục năm nay rồi nhưng bản sắc văn hóa đồng bào chúng tôi vẫn giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền pháp luật, những phong tục tập quán cổ hủ như tục thách cưới, tảo hôn hay cúng bái cho người bệnh đều được đồng bào từ bỏ lâu lắm rồi”.
Nhằm chung tay gây dựng quê hương thứ hai ngày càng đổi mới và phát triển, người đồng bào Sán Chay ở Tam Lập luôn chấp hành thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài nghĩa vụ đóng góp ngân sách ở địa phương, nhiều hộ gia đình người Sán Chay còn tình nguyện hiến đất làm đường giao thông liên thôn, liên xóm.
Trên tuyến đường suối Gia Huơ nối từ ấp Đồng Tâm (cụm dân cư của người Sán Chay sinh sống) về UBND xã Tam Lập có chiều dài khoảng chừng 4km, nay đã được trải nhựa sạch đẹp khang trang, không còn lầy lội trơn trượt mỗi khi mùa mưa về nữa. Công trình đường giao thông này có khoảng 30 hộ đồng bào Sán Chay sinh sống ở hai bên ven đường đều tình nguyện hiến đất. Hộ nào hiến nhiều nhất là 300 mét vuông đất, hộ nào hiến ít nhất thì cũng vài chục mét vuông đất.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cho biết thêm: “Toàn xã hiện có 72 hộ dân/256 nhân khẩu thuộc 16 dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở ấp Đồng Tâm và ấp Gia Biện. Hầu hết, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đời sống ổn định, kinh tế khá giả. Địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên huyện cũng liên tục mở các lớp dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế tại địa phương”.