Là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch, dịch vụ, trước vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các Kế hoạch phát động phong trào phòng, chống rác thải nhựa như: Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 21/02/2019 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 22/02/2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh về việc tổ chức đợt cao điểm ra quân làm sạch rác thải, phao xốp trên biển tỉnh Quảng Ninh. |
Cụ thể, trong phát triển du lịch, chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của đại đa số các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động du lịch và khách du lịch khi đến thăm quan Vịnh Hạ Long. Đến nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức ký kết hợp đồng với 267 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 07 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay trong đó có điều khoản cam kết không kinh doanh chất thải nhựa một lần cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội. Tại huyện Cô Tô, địa phương này đã xây dựng và triển khai Đề án Huyện Cô Tô không rác thải nhựa giai đoạn 2022-2025. Từ ngày 1/9/2022 đến nay, huyện Cô Tô đã quyết liệt triển khai quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại Cô Tô với sự ủng hộ cao của chính quyền, người dân và du khách. Qua đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ như: Tàu du lịch, bán hàng, xuồng cao tốc, chèo đò, kayak, ngọc trai… sẽ không sử dụng, bán các sản phẩm dùng một lần như: Cốc nhựa, ống hút nhựa, chai nước nhựa, hộp, bát đĩa đựng thức ăn, túi ni lông... Các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch, dịch vụ có trách nhiệm tuyên truyền, thông báo và yêu cầu du khách không mang xuống tàu và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan Vịnh Hạ Long. Bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền huyện đảo Cô Tô cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thôn, khu dân cư, việc sử dụng túi nilon thân thiện trong hoạt động kinh doanh của tiểu thương trên địa bàn huyện. Hiện tại, một số tuyến đường trên địa bàn huyện đã được lắp camera giám sát, một số điểm tập kết rác thuộc Công ty CP Môi trường và Đô thị huyện Cô Tô cũng được lắp camera để theo dõi các hành vi đổ rác không đúng nơi quy định. Ông Lê Bảo Đức, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Đô thị huyện Cô Tô cho biết: Việc lắp camera giám sát tại một số điểm nóng về tập kết rác thải trên địa bàn huyện đã phát hiện nhiều trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định. Đơn vị đã phối hợp với các thôn, khu trực tiếp phê bình, nhắc nhở các hộ dân, hộ kinh doanh chấp hành. Hiện đơn vị đề xuất lắp thêm camera tại một số thôn, khu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, đổ rác thải không đúng nơi quy định, không đúng chỗ. Đồng thời, kiến nghị với các đơn vị, cơ quan chức năng và nhân dân cùng vào cuộc, giám sát, lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm theo chế tài của pháp luật. Sau TP. Hạ Long và huyện Cô Tô, tháng 4/2024, huyện Vân Đồn đã ban hành Kế hoạch số 1299/KH-UBND về giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn. Trong đó, đưa ra mục tiêu, từ quý III/2024, 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn các xã: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy; phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và tiến tới xóa rác thải nhựa ở các địa phương này vào năm 2030. Hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều giải pháp đang được triển khai. Điển hình như tại xã Minh Châu, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền rộng rãi thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, lắp đặt đồng bộ các pano, áp phích chủ đề “Nói không với đồ nhựa dùng một lần” kèm theo các mô hình chứa rác thải nhựa cỡ lớn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch và dân cư như bến cảng, bãi tắm, phố đi bộ… Xã cũng không cho phép tổ chức các dịch vụ ăn uống, tiệc nướng BBQ trên bãi biển để bảo vệ môi trường. Với quan điểm người dân và du khách là chủ thể trong thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, xã chú trọng thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần, túi nilon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Hiện tại, Minh Châu đã xuất hiện những đơn vị tiên phong, lan tỏa thông điệp không rác thải nhựa… Nhờ đó, Quảng Ninh đã giảm đáng kể rác thải nhựa dùng 1 lần tại các điểm tham quan trên vịnh cũng như giảm lượng phao xốp trên các công trình nổi của các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch trên vịnh. |
Trong nỗ lực kiểm soát chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, Quảng Ninh xác định việc tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội được xác định là vô cùng quan trọng, do đó, ngay từ những ngày đầu triển khai hành Kế hoạch số 42/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh trong giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều tổ chức chính trị, đoàn thể của Quảng Ninh đã tham gia và phát huy vai trò nòng cốt của các cán bộ tại cơ sở. Trong đó, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Nông dân trên địa bàn đã chuyển từ việc sử dụng hóa chất và phân bón hóa học sang phương pháp hữu cơ. Đồng thời, tận dụng bã cỏ và chất thải hữu ích khác để làm phân bón cho đất, giúp giảm thiểu lượng chất thải và đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho cây trồng. Cụ thể năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 600 mô hình, phần việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải nhựa như: “Tuyến đường nông dân tự quản”; “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn”; “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”… Triển khai dự án "xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” tổ chức Tuần lễ EPPIC tại Hạ Long: Tổ chức 03 Hội thảo và tại các điểm đổi rác lấy quà, các nhóm thực hiện được 2.545kg rác các loại đã thu gom thông qua đổi quà; Số sản phẩm làm quà tặng thông qua đổi rác: 120 túi biết thở; ống hút cỏ: 204 hộp và sản phẩm cùng loại; 255 cốc giấy; 92 túi đựng hàng tái chế (Green Life Hạ Long). Cùng với đó là các tổ chức chính trị, đoàn thể cũng vào cuộc nhằm chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với 13/13 Hội phụ nữ cấp cơ sở duy trì 982 mô hình "Biến rác thành tiền" với sự tham gia của 41,263 hộ gia đình, 69.886 thành viên; 177/177 cơ sở Hội tiếp tục duy trì hiệu quả phong trào "Ngày Chủ nhật xanh". Riêng Thành phố Hạ Long và Uông Bí đã duy trì hiệu quả mô hình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm có giá trị kinh tế (mô hình tái chế dây đai buộc gạch tại Hạ Long, Uông Bí); 01 gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế đồ nhựa 1 lần tại chợ Hạ Long I… Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã quy định rõ lộ trình thực hiện là từ ngày 1/1/2021, các cơ sở NTTS lợ, mặn thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn; từ ngày 1/1/2023, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn.. Đây được coi là giải pháp đột phá và cách làm mới của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn trên địa bàn tỉnh, đến nay tỷ lệ chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang phao nhựa HDPE đạt trên 98%. Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản để hướng tới các hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh hơn. Các doanh nghiệp sản xuất thủy sản cũng thực hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình như Hợp tác xã Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đã đầu tư dây chuyền chế biến vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi và phân bón. Điều này không chỉ giảm áp lực từ loại rác thải vỏ hàu, hà không thể phân hủy ở môi trường tự nhiên mà còn tạo ra những sản phẩm phục vụ nông nghiệp hiệu quả, lâu dài. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quảng Ninh sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa... đảm bảo huy động các nguồn lực, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện được quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |