Tỉnh Quảng Ninh công bố loạt gói kích cầu du lịch dịp cuối năm 2024Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng NinhQuảng Ninh: Định hướng phát triển mới, hướng tới mục tiêu cao hơn |
LỜI TOÀ SOẠN: Từ một tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ cấp của Trung ương, Quảng Ninh đã bứt phá nhanh, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ tiếp tục là chỉ dẫn quan trọng để Quảng Ninh định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức trong quá trình phát triển ở giai đoạn mới. Để làm rõ hơn những cơ hội, tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Ninh từ Quy hoạch, Báo Công Thương tổ chức loạt bài: "Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh: Tiền đề và động lực để phát triển bứt phá". |
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai quy hoạch sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cũng như phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề và động lực cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh.
Tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn mới
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháng 11/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch. Như vậy, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Trước đó, tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, các thành viên hội đồng thẩm định đều cho rằng đây là bản quy hoạch có chiều sâu, phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại với số liệu minh chứng rõ ràng đầy đủ; các phân tích, lý giải logic, thuyết phục và xác đáng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và của tỉnh. Báo cáo quy hoạch được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một góc TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, có nhiều đổi mới, tư duy, tầm nhìn và khát vọng cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đảm bảo quy hoạch tỉnh có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với quy hoạch của cả nước, Quảng Ninh cần làm tốt việc quy hoạch, có tầm nhìn chiến lược, dài hơi và khai thác tốt các tiềm năng, khắc phục hạn chế để thúc đẩy phát triển bền vững. Quảng Ninh cần có cách tiếp cận hiện đại, chiến lược; khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế để phát triển bền vững.
Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế về kinh tế, cảng biển, khu kinh tế…, vì vậy tỉnh phải thực hiện quy hoạch đồng bộ theo hướng bền vững, có cơ cấu, tầm vóc lớn hơn phù hợp với điều kiện phát triển thực tế để từ đó có những đột phá vượt bậc trong thời gian tới và xứng đáng với cực tăng trưởng trong vùng kinh tế.
"Cần phải xác định rõ được vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng với tư cách là cực tăng trưởng mạnh. Từ đó, có những định hướng phát triển đóng góp vào cực tăng trưởng chung trong vùng và trong cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Trong lĩnh vực kinh tế ưu tiên cần tập trung vào việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị, bất động sản.
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tốt, môi trường kinh doanh tốt… thì cũng cần phải tập trung mạnh vào việc phát triển nguồn nhân lực. Tạo thể chế, cơ chế mới để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong cơ cấu chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" cần chú trọng đến chuyển đổi việc làm lao động ngành than. Đồng thời, cũng lưu ý đến việc phát triển dân số và dân cư trong quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục đạt được những thành tích kỳ diệu trong thời kỳ mới.
Quyết tâm cao, khát vọng lớn
Theo Quy hoạch, Quảng Ninh đang hướng đến là địa phương tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng cao. Quảng Ninh sẽ là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc - một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt hơn 10.000 USD vào năm 2025 và từ 19.000 đến 20.000 USD vào năm 2030. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Quy hoạch cũng nêu rõ: Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương án phân bổ và khoanh vùng sử dụng đất đến năm 2030.
Các chuyên gia căn chỉnh, vận hành thử nghiệm thiết bị nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.
Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch. Giai đoạn 2021 - 2030, sản lượng khai thác than của Quảng Ninh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 1,2%/năm; đến năm 2030, sản lượng khai thác đạt trên 49 triệu tấn.
Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logsitics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế; đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng du khách bình quân khoảng 6%/năm.
Huy động nhiều nguồn lực
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch.
Đồng thời, kế thừa và phát huy những chiến lược trong 7 quy hoạch chiến lược trước đó, bảo đảm tính liền mạch, xuyên suốt, được cập nhật, bổ sung những thông tin, dữ liệu, những cơ hội mới. Đây sẽ là căn cứ, chỉ dẫn quan trọng để tỉnh định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức, xây dựng lộ trình, tiến độ và nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng phát triển đúng hướng, đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt…
Ngay sau khi quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố, trên cơ sở các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào thực hiện rà soát các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế, thực hiện xây dựng lộ trình, chính sách, giải pháp để tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững, dựa vào 4 trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh) và 3 nguồn lực (thiên nhiên - con người - văn hóa).
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, tỉnh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn theo 3 khu vực cụ thể trong 2 giai đoạn từ 2021 - 2025 và 2026 - 2030 với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ…
Trên tinh thần kế thừa, kiên trì, tuân thủ thực hiện các quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, Quảng Ninh sẽ định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển mới, rút ngắn lộ trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch, là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu, toàn diện của cả nước về mọi mặt và tham gia vào kỷ nguyên vươn mình, nhất là trong tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Quảng Ninh đã có hơn 10 năm thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, nay tiếp tục thực hiện chuyển đổi xanh đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn đến năm 2050 theo quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt.
Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục phát huy và hoàn thiện thêm để huy động được nhiều nguồn vốn hơn đầu tư cho chuyển đổi xanh giai đoạn tiếp theo như: Phát huy tốt hơn hợp tác công tư-PPP; huy động nguồn vốn của xã hội, đầu tư nước ngoài và nguồn vốn của khu vực tư nhân để đầu tư cho chuyển đổi xanh...
Đồng thời, mở rộng huy động thu hút các nguồn vốn khác của xã hội như tín dụng xanh, trái phiếu xanh của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước để đầu tư cho các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án thực hiện chuyển đổi xanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi xanh, Quảng Ninh cần phải có nguồn nhân lực đầy đủ và phù hợp, nhất là ở giai đoạn tới có những ngành, lĩnh vực hoàn toàn mới, công nghệ mới mà nguồn nhân lực của tỉnh hiện tại không đáp ứng được..