LTS: Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng… Trong số này, nhiều quan chức cấp cao phải hầu tòa vì nhận hối lộ dưới dạng “quà cảm ơn”, “lì xì Tết”. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, lỗi ấy do nhận thức của cán bộ còn hạn chế hay là sự tha hóa, biến chất, phớt lờ quy định những điều Đảng viên không được làm? Để trả lời câu hỏi, nhóm phóng viên Báo Công Thương đã tổ chức loạt bài viết về vấn đề này. |
Muôn dạng quà biếu
Ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Quy định số 37-QĐ/TW về Những điều đảng viên không được làm. Trong 19 “điều cấm”, đáng chú ý có Điều 15 yêu cầu Đảng viên không được “Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
19 Điều này được ban hành góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, không cho lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực… Đối với Điều thứ 15, Đảng ta đã nhận diện rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cán bộ, đảng viên phải hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ đó là việc lợi dụng những yếu tố thuộc về văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam để tạo ra “mảnh đất thuận lợi” dung dưỡng cho tham nhũng... Họ đã lợi dụng những tập tục tốt đẹp như “đền ơn, đáp nghĩa” được biến tướng trở thành “biếu xén và trả ơn” với người hỗ trợ, giúp đỡ mình. Để đến khi phải hầu tòa thì biện minh cho hành vi tham nhũng bằng việc thiếu nhận thức đầy đủ và rõ ràng về mặt pháp luật. Trong khi, các cán bộ này đều là những người giữ vị trí cao cấp trong Đảng, chính quyền và luôn luôn tự nhận mình thấm nhuần những nguyên tắc của Đảng.
Những ngày qua, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi người từng đứng đầu ngành Y tế là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã lợi dụng sự hoảng loạn, sợ hãi của hàng triệu người dân Việt Nam khi đại dịch Covid-19 hoành hành để trực lợi, nhận hối lộ tới 2,25 triệu đô (hơn 51 tỷ đồng). Không ai phủ nhận những đóng góp nhất định của ông Long khi Covid-19 ập đến. Nhưng đáng buồn và thất vọng hơn khi vừa qua, Bộ Công an đã công bố bản kết luận điều tra liên quan đến các hành vi nhận hối lộ của ông Nguyễn Thanh Long do dính líu đến “đại án Việt Á”. Bản kết luận điều tra đã phơi bày cho tất cả người dân “bộ mặt thật” của ông Nguyễn Thanh Long. Bởi ông Nguyễn Thanh Long đã lợi dụng sự nguy cấp của dịch bệnh để “vòi vĩnh”, vơ vét cho cá nhân. Cụ thể, ông Long khi biết kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước, biết Công ty Việt Á không đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành cho kit test này. Nhưng khi Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) Phan Quốc Việt đề nghị, ông Long vẫn chỉ đạo cấp dưới cấp số đăng ký sinh phẩm, tạo điều kiện để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit test trái quy định.
Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, thương mại hóa kit test, ông Nguyễn Thanh Long tiếp tục giới thiệu Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á với lãnh đạo một số địa phương, nhằm tạo điều kiện cho công ty này tiêu thụ kit test. Để cảm ơn sự “tạo điều kiện” của ông Long, Việt đã “bố trí” chuyển tổng số tiền hơn 2 triệu USD cho ông Long để “xử lý công việc”. Một lần khác, vào dịp Tết Nguyên đán 2022, trong lần đến trụ sở Bộ Y tế gặp Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt đã đưa một túi vải màu xanh bên trong có chứa 50.000 đô với lý do “Em lì xì mấy cháu!”. Ông Nguyễn Thanh Long cầm và cười nói: “Vẽ chuyện!”.
Hàng loạt quan chức phải hầu tòa thời gian gần đây đều liên quan đến hành vi nhận hối lộ dưới danh nghĩa nhận quà biếu - Ảnh minh họa |
Không chỉ bằng hình thức “lì xì” mà con đường đi của “quà biếu” dưới dạng cảm ơn còn được “ngụy trang” bằng vài hộp khẩu trang và chai xịt khuẩn nhưng bên trong đó còn chứa cả 200.000 USD. Theo đó, trong đại án Việt Á, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Chu Ngọc Anh cũng đã nhận “một chút quà cảm ơn” từ Phan Văn Việt… Đồng thời, Việt cũng không quên “chúc tết” Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Nguyễn Thanh Long số tiền 2 tỷ đồng.
Ở mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, cá nhân lại có cách vận dụng “kỹ năng tặng quà” đối với quan chức bằng nhiều cách khác nhau. Vụ việc xảy ra đầu tháng 4/2023 tại Lào Cai cũng là một ví dụ. Theo đó, nhân dân cả nước được một phen ngỡ ngàng khi một số doanh nghiệp và cá nhân đã gửi “quà tặng” là 7 lô đất ở đô thị đều nằm ở vị trí đắc địa tại thành phố Lào Cai tới cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh. Bên cạnh đó, ông Vịnh còn nhận “quà cảm ơn” của doanh nghiệp lên tới 5 tỷ đồng, khi để cho Công ty Lilama và Apatit Việt Nam khai thác, tiêu thụ trái phép số lượng quặng apatit cực lớn giá trị hơn 610 tỷ đồng.
Nếu nhắc tới sự tha hóa phẩm chất khi đã ngồi vào vị trí “chức trọng, quyền cao” và phải trả giá không nhỏ vì những “gói quà biếu triệu đô”, chúng ta không khỏi đau xót khi nhắc tới trường hợp ông Nguyễn Bắc Son trong vụ án Mobifone mua AVG. Bởi ông Son từng là một người lính chiến đấu quên mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng những phẩm chất cao quý mà ông tích lũy được trong quân ngũ đã bị bắn gục bởi “viên đạn bọc đường” khi đã lên đến một nấc rất cao của danh vọng. Bởi thời điểm giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của ông Nguyễn Bắc Son để "gửi lời cảm ơn" bằng gói quà 3 triệu USD. Đồng thời, vào dịp lễ, tết, ông Son còn nhận “quà” của Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone số tiền 200 triệu đồng và nhận của Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone 200 ngàn USD... Ngoài ra, trong vụ án này, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà cũng nhận hối lộ 2,5 triệu USD dưới dạng quà tết và “thùng hoa quả ngon”.
Không cần phải ngụy trang bằng nhà đất, hoa quả, rượu ngon mà quà biếu còn đi thẳng vào tay của lãnh đạo bằng những “túi quà tiền tỷ”. Đó là trường hợp của cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã tác động, chỉ đạo để Công ty AIC trúng 16 gói thầu và đã được Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp 6 lần tặng những túi quà tiền tỷ (14,5 tỷ đồng) tại Hà Nội và Đồng Nai.
Văn hóa biếu quà hay là "miếng pho mát trong bẫy chuột"?
Có thể thấy, những hành vi vi phạm của các cá nhân kể trên đã vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Những điều đảng viên không được làm, đặc biệt là Điều 15 và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, với “đại án Việt Á”, còn gây ra sự bức xúc tột cùng trong nhân dân khi Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào thì một số quan chức cấp cao còn lợi dụng để “vét cho đầy túi tham”, làm giàu cho cá nhân.
Một số trường hợp “quan chức” sa ngã vì quà biếu, quà cảm ơn ở những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: Họ đều là những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, được đào tạo bài bản, "thuộc nằm lòng" những nguyên tắc, nghị quyết của Đảng. Họ đã dành cả tuổi thanh xuân đề rèn luyện, học tập, cống hiến. Nay, họ ở trên đỉnh cao của “danh vọng và quyền lực” trước những cám dỗ của vật chất, họ đã trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà họ đã đánh đổi cả tuổi xuân để tôi luyện. Ngự trị nơi đỉnh cao quyền lực, họ lơ là phòng bị, để “giặc trong lòng” đánh bại hoàn toàn.
Cảnh báo về sự cám dỗ của vật chất đối với cán bộ, trong “Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô”, ngày 5/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ ta phải giữ vững bản lĩnh trước mọi tình huống.
Người dặn: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”.
Văn hóa quà biếu đang bị biến tướng trở thành những "viên đạn bọc đường" làm gục ngã cán bộ |
Có thể ví những “món quà trăm, triệu đô” cũng chẳng khác nào những "viên đạn bọc đường” đã hạ gục hàng loạt cán bộ trong thời gian. Sự tha hóa của những người có quyền lực hoàn toàn không thể đổ lỗi, bao biện bằng việc nhận thức pháp luật không đầy đủ, “nhận vì nghĩ đơn giản đó là cảm ơn”. Và khi đã nhận những “túi quà tiền tỷ” để đánh đổi, “tạo điều kiện” thì cũng chẳng khác nào đã để những “viên đạn bọc đường” sẵn sàng bắn phá vào tương lai.
Đánh giá về những hình thức nhận hối lộ được “ngụy trang” bằng quà biếu, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Thực tế, văn hóa biếu quà vốn là ứng xử, giao tiếp của con người trong các mối quan hệ xã hội. “Quà biếu nó hình thành do một nhu cầu của thực tiễn, ban đầu có thể là sự chia sẻ những giá trị vật chất để bày tỏ những giá trị tinh thần. Theo cách nói hiện nay thì là "vật thể hóa" các giá trị "phi vật thể"! Đồng thời, quà biếu là hình thức thể hiện những giá trị tinh thần, đạo lý tốt đẹp. Trong xã hội hiện đại quà biếu cũng nhuốm mầu mua bán, biến những giá trị tinh thần, đạo lý thành quan hệ trao đổi và vụ lợi, thành phương thức thanh toán những “món hàng không thể xuất hóa đơn”. Hối lộ chính là phương thức thanh toán những lợi ích bất chính dưới hình thức quà biếu.
Trả lời báo chí, khi nhắc về văn hóa liêm chính PGS, TS. Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng từng nói: “Văn hóa thực dụng” xuất hiện, dẫn tới nhiều cái xấu độc cũng bị ngộ nhận trở thành văn hóa. Đồng tiền chi phối cuộc sống khiến nhiều quan niệm văn hóa bị méo mó, lệch lạc”.
Ngạn ngữ phương Tây có câu “miếng pho mát miễn phí chỉ có sẵn ở trong bẫy chuột”. Thành ngữ Việt Nam cũng có câu “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” để nói về quan hệ có đi có lại. Câu chuyện “ơn huệ, quà cáp cảm ơn” ở Việt Nam có thể coi là một văn hóa. Nhưng ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ rất rõ ràng. Khi người ta mang lại điều tốt đẹp, giúp đỡ mình trong cuộc sống thì cảm ơn bằng lời nói, một chút quà là điều bình thường. Món quà chỉ được coi là quà tặng khi nó có giá trị vật chất không lớn, mang giá trị tình cảm, tri ân. Ở chiều ngược lại, cán bộ suy thoái, thiếu sự gương mẫu, tu dưỡng coi việc nhận quà, biếu xén, mua chuộc là “chuyện thường tình”, thì sớm hay muộn cũng bị “sập bẫy” khi… “mỡ để miệng mèo”.
Nhìn lại các vụ việc quan chức cấp cao nhận quà biếu kể trên có thể thấy đây đều là các cán bộ có chức vụ cao, được học tập, rèn luyện về chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên nhận tiền của doanh nghiệp rồi giải trình không biết đã vi phạm pháp luật là khó chấp nhận. Xét cho cùng, quà biếu tự thân nó vốn là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử đã bị biến dạng trong sự phức tạp của đời sống.
Vì vậy, cán bộ không phải bỏ công sức ra mà nhận tiền lúc này đương nhiên là nhận hối lộ, không thể nói quà tặng cảm ơn. Hơn nữa, số tiền lên đến hàng tỷ đồng thì người bình thường cũng hiểu đó không thể là quà tặng tình cảm thông thường.
Trong nền kinh tế thị trường, không kiểm soát được dòng chảy của các khối tài sản, người ta vẫn dễ dàng vác cả bao tải tiền, valy USD đi “biếu”, nguồn gốc tài sản của cán bộ công chức cũng chưa được kiểm soát và giải trình minh bạch, hiệu quả... thì có thể con đường đi của quà biếu sẽ tinh vi hơn. Vì vậy, cần phải có “liều thuốc đặc trị” cho việc ngăn chặn sự biến tướng của quà biếu, trả lại sự trong sáng của văn hóa biếu quà. Báo Công Thương sẽ đề cập ở những bài viết tiếp theo.
Bài 2: Xử lý "đại án nhận quà" và kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trên thế giới