“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”
Ngày 21-12-1954, sau khi tiếp quản thủ đô được hơn 2 tháng, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ.
Từ đó ngày 21/12/1954 đã trở thành ngày Truyền thống ngành điện. Đã 69 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên công nhân ngành điện “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”…. “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn “mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Câu chuyện thiếu điện một lần nữa đã trở thành “vấn đề nóng" khi mà trong thời gian qua, miền Bắc phải cắt điện luân phiên tại nhiều tỉnh, thành phố.
Nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng cao gây tiềm ẩn nguy cơ sự cố các thiết bị tại Máy biến áp |
Mất điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã khó khăn sau đại dịch Covid-19 lại thêm khó khăn hơn.
Một vị lãnh đạo của Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chia sẻ: "Tại huyện chúng tôi bây giờ đa phần các dịch vụ công đều thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, mất điện đồng nghĩa công việc ách tắc lại. Ban ngày bị cắt điện, từ chính quyền cấp xã, đến huyện đều phải chuyển sang làm việc ban đêm".
Chưa khi nào miền Bắc chứng kiến sự khô hạn tại các hồ thủy điện lớn như vậy. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Thác Bà cho biết: Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng 2 tổ máy không thể vận hành do mực nước hồ thủy điện đã về dưới mực nước chết 0,5m. Còn một tổ máy vẫn phải vận hành trong điều kiện nguy cơ tiềm ẩn sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mực nước hồ thủy điện Thác Bà đã về dưới mực nước chết 0,5m (ảnh chụp ngày 8.6.2023) |
“Lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Bà trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua thấp hơn nhiều và chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ các năm trước”- ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Lịch sử dừng hoạt động 2 tổ máy Thủy điện Thác Bà cũng chẳng khác nào lịch sử của thời tiết miền Bắc khi mà lưu lượng nước về các hồ thủy điện trong tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua chỉ vào khoảng trên 10% so với cùng kỳ của những năm trước. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Có lẽ cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hàng chục năm qua, tính đến ngày 8/6/2023 đã có 11 nhà máy thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc phải dừng phát điện, 9 hồ thủy điện trên toàn quốc ở dưới mực nước chết.
TS. Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của El Nino (El Nino là pha nóng trong hiện tượng ENSO), nhiêt độ trung bình các tháng trong năm thường cao hơn bình thường ở hầu hết các khu vực phạm vi trong cả nước. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn gay gắt hơn, không loại trừ khả năng giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
“Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023”- TS Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Để ứng phó với El Nino, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có Công văn báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó. Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các Bộ ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện gần đây về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Với khả năng cao xuất hiện của El Nino,các bộ, ngành, địa phương cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thậm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino.
El NiNo đã khiến các hồ thủy điện không có nước do thâm hựt lượng mưa. Ảnh chụp hồ thủy điện Sơn La ngày 7/6/2023 |
Trước đó để kịp thời bổ sung nguồn điện cho miền Bắc, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong quyết liệt chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để hồi sinh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ngay trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Nhà máy đã chính thức được khánh thành và phát điện thương mại. Đây là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất về bài học “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong đầu tư xây dựng, đồng thời dự án hoàn thành đã góp phần cung cấp điện năng cho khu vực miền Bắc với sản lượng ước tính 7,2 tỷ kWh/năm cho lưới điện quốc gia
“Tiết kiệm điện chính là giữ gìn mạch máu”
Nhận diện thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua. Trong đó tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, giữ gìn “dòng điện được nối dài” để “mạch máu” không bị đứt quãng.
Mặc dù ngành điện cũng như các bộ, cơ quan có liên quan không ngừng nỗ lưc, cố gắng hết sức để không rơi vào cảnh đứt nguồn nhưng từ cuối tháng 5 đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc. Trong đó, có nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm và chưa thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai, có cả nguyên nhân khách quan như hạn hán nặng nề khiến hầu hết các hồ thủy điện miền Bắc ở mực nước chết.
Ngày 22/5/2023 Bộ Công Thương đã phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc |
Trong bối cảnh đó, cùng với nhiều giải pháp về nguồn cung điện, truyền tải, phân phối điện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện cùng nhiều ban ngành chức năng đều kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện.
Đi đầu trong việc kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức cùng chung tay tiết kiệm điện, ngày 22/5/2023 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã chính thức Phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.
Gần đây nhất, ngày 8/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lấy tiết kiệm điện làm chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật…
Tiết kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi lãng phí trong sử dụng điện ở nước ta còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng cho hay: Ở Việt Nam tiết kiệm điện mới chỉ dừng ở mức độ kêu gọi, khuyến khích chứ chưa có những chế tài đủ mạnh và cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo các khách hành sử dụng điện tuân thủ nghiêm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hình ảnh công nhân EVNHANOI dùng loa để kêu gọi người dân tiết kiệm điện |
Những ngày nắng nóng vừa qua, hình ảnh “loa dạo” lại lần nữa hiện hữu trong từng ngõ phố gây ấn tượng mạnh mẽ đến với mỗi người dân Thủ đô Hà Nội. Hình ảnh những người công nhân mặc áo cam- màu áo của người công nhân ngành điện cùng với chiếc loa đi từng ngõ phố yêu cầu người dân hãy sử dụng điện tiết kiệm, hãy tắt những thiết bị điện không cần thiết, giảm bớt các đèn chiếu sáng, đèn trang trí trong các cửa hàng, quán ăn...
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù không rơi vào tình trạng thiếu điện như miền Bắc, nhưng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản yêu cầu các sở ngành, quận huyện đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn thành phố, trong đó có đề nghị hạn chế mặc áo vest khi làm việc, dự họp. Chỉ đạo này được nhiều người hoan nghênh, đánh giá cao. TPHCM tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng mỗi ngày từ tiết kiệm điện là bài học quý.
Ngay tại trụ sở của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, gương mẫu đi đầu là những lãnh đạo, cán bộ công nhân viên khi mà các phòng ban ưu tiên dùng quạt điện thay vì điều hòa, những phòng làm việc ở tầng thấp ( từ tầng 4 trở xuống) được yêu cầu đi cầu thang bộ thay vì dùng thang máy để tiết kiệm điện.
Khu vực hành lang của trụ sở Báo Công Thương tại tòa Nhà làm việc Bộ Công Thương hệ thống chiếu sáng được tắt, sử dụng ánh sáng tự nhiên |
Tại Tòa nhà làm việc của Bộ Công Thương, khu vực hành lang không sử dụng đèn chiếu sáng, hệ thống làm mát. Trong phòng làm việc, hệ thống điều hòa luôn được để ở chế độ từ 26 độ C-28 độC, nhiều phòng ban được khuyến khích sử dụng quạt điện thay vì dùng điều hòa, màn hình máy tính, đèn chiếu sáng được tắt trong quá trình nghỉ giữa trưa.…
Mặc dù có nhiều chuyển biến trong hành động tại các khu vực công sở, doanh nghiệp nhưng có lẽ khó khăn hơn cả chính là thay đổi ý thức và hành động của khối khách hàng là các hộ gia đình, bởi đây là khu vực chiếm tỷ trọng điện tiêu thụ lớn 2 sau khối sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, điện sau mỗi công tơ dùng thế nào là quyết định của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân, nhưng hơn bao giờ hết ý thức người dân cần phải thay đổi, bởi Tiết kiệm để không bị mất điện như thông điệp tuyên truyền mà ngành điện Thủ đô đưa ra “Hãy tắt điện khi cần, để khi cần sẽ có điện”.
(Còn nữa)