Với tiềm năng khá lớn, thủy điện đã đóng góp một phần quan trọng vào nhu cầu năng lượng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, các vụ sạt lở nghiêm trọng làm chết nhiều người cùng tình hình ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung mới đây khiến vấn đề an toàn của các đập, hồ thủy điện một lần nữa được đặt ra. Một ủng hộ chủ trương phát triển thuỷ điện, một cực đoan đổ lỗi cho thuỷ điện là nguyên nhân gây lũ lụt.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã tìm hiểu, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý. Qua đó cho thấy, đổ lỗi lũ lụt chỉ do thuỷ điện là cực đoan, không thuyết phục, chưa đủ cơ sở khoa học.
Thủy điện có gây thêm lũ?
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề, các hình thái thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cùng nhiều nhân tố khác như đô thị hoá nhanh, rừng tự nhiên tiếp tục bị khai thác trái phép, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm... đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân một số địa phương khi có mưa lớn, bão, lũ.
Từ 2015 trở về trước, khi mùa mưa bão đến, nhiều chủ hồ thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên vì lợi ích cá nhân, chưa tuân thủ các quy định của nhà nước nên thường xả lũ không đúng quy trình đã gây thiệt hại cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý vận hành điều tiết hồ chứa vẫn còn chưa phân định rạch ròi giữa chính quyền Trung ương và địa phương. Điều này đã hình thành suy nghĩ trong cộng đồng là thủy điện thường gây thiệt hại cho người dân khi có mưa lũ, bão.
Trên thực tế, mưa bão lũ là hình thái tự nhiên, không ai mong muốn xảy ra nhưng lại không thể tránh được. Thông thường, mưa, bão ở hạ du có lượng nước lớn, nước biển dâng lên nên khi có mưa lũ về từ thượng nguồn, các hồ thủy điện, thủy lợi phải thực hiện các quy trình điều tiết xả lũ một cách hợp lý, vừa bảo đảm an toàn công trình, vừa giảm thiệt hại cho hạ du.
Thủy điện Hòa Bình là một trong số nhiều công trình thủy điện đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực đồng bằng sông Hồng. Ảnh: qdnd.vn |
“Ta cứ làm thí nghiệm, lấy một cái chậu đang có một ít nước, cho một vòi nước vào đó và cho nước chảy vào chậu. Ban đầu ít nước, nước giữ trong chậu. Sau đó, mực nước trong chậu tăng lên, tới lúc tràn. Đây là “xả lũ”. Lúc này, lượng nước từ vòi vào chậu sẽ bằng mực nước xả ra và mực nước trong chậu không đổi. Thủy điện chính là cái chậu đó. Cái chậu đó tích được thêm một ít nước, nhưng không sinh thêm ra nước để đổ ra ngoài. Nếu phía cuối sân có chỗ trũng thì rõ ràng là nước chảy qua chậu sẽ gây ngập...”, PGS, TS Vũ Thanh Ca phân tích và khẳng định, không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ; nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều!Về vấn đề này, PGS, TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã có dẫn chứng khá dễ hiểu, chứng minh “không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn”.
PGS, TS Vũ Thanh Ca |
Rõ ràng là sự hiểu không đúng và không đủ về thủy điện dẫn đến thông tin sai lệch, cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không chính xác. Có thể ví dụ các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. Nếu không có các công trình trên thì Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội thường phải đối mặt với lũ lụt, mà điển hình như trận lũ vào các năm 1969, 1971 đã gây thiệt hại lớn...
Một nguồn năng lượng sạch cần được khai thác hiệu quả
Theo các chuyên gia, Việt Nam có số lượng sông lớn, lên đến 2.360 con sông. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện từ năng lượng nước. Hiện nay ở nước ta, thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện, đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, trật tự, an toàn xã hội... ở khu vực hạ du hồ chứa.
Các chuyên gia đánh giá, thủy điện chính là một nguồn năng lượng sạch có vai trò rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước |
Các chuyên gia đánh giá, thủy điện chính là một nguồn năng lượng sạch có vai trò rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện là 20.568MW, chiếm tỷ trọng 36,3% tổng công suất đặt các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia. Các nhà máy thủy điện tại các tỉnh cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỉ trọng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Là người gắn cả cuộc đời với các công trình thủy điện, chuyên gia Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) khẳng định, thủy điện có nhiều lợi ích. Một trong những công dụng lớn của thủy điện, ngoài việc khai thác năng lượng, là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du. Trước đây khi chưa có hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều vùng ở Hà Nội còn lo đắp đê, nhưng hiện nay thì đã ổn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải hồ thuỷ điện nào cũng có chức năng này, có những thủy điện nhỏ chỉ có chức năng phát điện.
Chuyên gia Thái Phụng Nê. Ảnh: Vnexpress.net |
Bức tranh thủy điện nhỏ và vừa ở miền Trung ra sao?“
Cũng phải kể thêm một số chức năng lớn khác của thủy điện. Đó là cấp nước cho nông nghiệp. Nếu để nước chảy hết ra biển thì lấy đâu nước trồng trọt. Các hồ thủy điện cũng điều tiết nước để bảo vệ cho môi trường. Nếu không có sự điều tiết từ các hồ lớn thì các con sông sẽ khô cằn, ô nhiễm…”, chuyên gia Thái Phụng Nê phân tích.
Chia sẻ về quy hoạch và vận hành thuỷ điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã nhấn mạnh đến một số khó khăn khi xây dựng các hồ đập tại đây.
“Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội”, Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết.
Tiến sĩ Tô Văn Trường |
Tuy vậy, theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, hiện nay, toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565MW); đang thi công xây dựng 11 dự án bậc thang (704MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW); đang nghiên cứu và đã quy hoạch 7 dự án bậc thang (843MW) và 160 dự án thủy điện nhỏ (1.525MW).
Một số hồ chứa thủy điện hiện đang vận hành và phát huy hiệu quả là những điểm nhấn nổi bật của vùng như: Thủy điện Trung Sơn trên sông Mã (150 triệu m3), Hủa Na trên sông Chu (100 triệu m3), Bản Vẽ trên sông Cả tại Nghệ An (300 triệu m3), Quảng Trị trên sông Rào Quán (30 triệu m3), Bình Điền trên sông Hữu Trạch (70 triệu m3)... Các công trình đã vận hành góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết mức giá điện hợp lý (thủy điện trên cả nước hiện chiếm khoảng 37% điện năng của hệ thống điện quốc gia), đóng góp tỷ lệ cao trong nguồn thu ngân sách của các địa phương liên quan, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn...
Thủy điện Bản Vẽ trên sông Cả tại Nghệ An là một trong những công trình thủy điện lớn ở miền Trung. Ảnh: qdnd.vn |
Nhấn mạnh thêm, Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết, theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả các hồ chứa thủy điện lớn trên cả nước đều phải duy trì mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trong mùa lũ để tham gia cắt giảm lũ cho hạ du khi có yêu cầu, vận hành xả nước theo yêu cầu sử dụng nước của hạ du về mùa cạn. Vì vậy, đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên lưu vực, mặc dù sản lượng điện của các nhà máy này bị giảm khá nhiều so với thiết kế.
Còn đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn với dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể. Tuy vậy, điều này cũng không làm ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy của hạ du. Hiện nay, ngoài quy trình vận hành đơn hồ với đầy đủ yêu cầu vận hành trong mùa lũ và mùa cạn, các địa phương cũng yêu cầu các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ trên cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng nước mùa cạn cho hạ du. Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với đặc thù phân bố như trên cũng giúp giảm đầu tư và tổn thất truyền tải điện. Đáng chú ý, theo thống kê, chỉ tính riêng quy hoạch, thủy điện nhỏ đóng góp hơn 26% nguồn thủy điện của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, thủy điện nhỏ vẫn có vai trò nhất định trong bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt cho những vùng sâu, vùng xa!
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ nhận định, mưa lũ ở miền Trung không phải điều lạ, năm nào cũng xảy ra, nhưng mưa với lượng lớn như những ngày qua là bất thường. Về nguyên nhân nhiều nơi nước lũ xuống rất chậm dù mưa đã giảm như ở Lệ Thủy (Quảng Bình), cửa sông Kiến Giang chảy qua khu vực này khá hẹp. Ngoài ra, triều cường xuất hiện khiến nước bị giữ lại, tốc độ thoát lũ chậm hơn so với các khu vực khác. Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), trong những năm có La Nina, mưa bão thường xuất hiện dồn dập vào cuối năm. Với trận lũ lụt kỷ lục ở miền Trung vừa qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia đã có công báo dự tính khí tượng năm 2020, đánh giá miền Trung có thể xuất hiện lũ đặc biệt lớn. Chưa thấy nhận định nào từ các cơ quan quản lý đề cập nguyên nhân lũ lụt do thuỷ điện. |
Thảo Nguyên - Báo qdnd.vn xuất bản ngày 24/10/2020