Bắc Ninh: Khánh thành Trung tâm phân loại hàng hóa tự động xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện/ngày Bắc Ninh: 100% cán bộ, công chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến |
Bước ngoặt cho giai đoạn mới
Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập lại và chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX tại Kỳ họp thứ 10, ngày 15/11/1996. Thời điểm này, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ phát triển kinh tế chậm, điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 46% GRDP, trong khi công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 24,1% và dịch vụ 29,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 730,6 tỷ đồng.
Một góc thành phố Bắc Ninh |
Trước tình hình đó, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của tỉnh đã họp bàn và xác định Bắc Ninh cần phải tập trung phát triển và đưa công nghiệp bứt phát lên. Quyết tâm này được hiện thực hóa bằng Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 25/5/1998 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về đẩy mạnh phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Bởi lúc này, ở Bắc Ninh tập trung rất đông các làng nghề như sắt thép Đa Hội, giấy dó Phong Khê, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, bàn ghế Đồng Kỵ… Tuy nhiên, các làng nghề lại đối mặt với tình trạng thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, năng lực tiếp cận thị trường khu vực hạn chế, sản phẩm hàng hóa cạnh tranh thấp, thiết bị và công nghệ chắp vá thiếu đồng bộ, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm khắc phục.
Nghị quyết 04/NQ-TU ra đời đã thổi luồng sinh khí mới trong việc huy động nội lực, giúp các làng nghề tìm tòi nghiên cứu, đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Cũng theo đó, đã bước đầu hình thành một số cụm công nghiệp (CCN) làng nghề theo cơ chế thí điểm như CCN Châu Khê, CCN sản xuất giấy Phong Khê, CCN sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang…
Sau giai đoạn này, từ năm 2000, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề - đây chính là mũi nhọn, tạo bước đột phá cho sự phát triển công nghiệp Bắc Ninh, với định hướng tập trung vào phát triển các khu công nghiệp (KCN), CCN.
Cụ thể, Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 3/2/2000 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển các KCN, CCN tiểu thủ công nghiệp; Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) ngày 4/5/2001 về phát triển các KCN, CCN; Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy ngày 29/5/2006 (khóa XVII) ngày 29/5/2006 về việc tiếp tục đẩy mạnh các phát triển các khu, CCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh ban hành Chương trình hành động số 88/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 306/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Ngày 29/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (là 1 trong số ít các tỉnh/thành phố trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa)…
Nếu như Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 4/5/2001 tạo điều kiện cho KCN Tiên Sơn, Quế Võ, CCN Tân Hồng - Hoàn Sơn ... được giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và tiếp nhận các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt bắt đầu đón dòng vốn ngoại với sự đầu tư của Canon vào KCN Quế Võ… thì đến Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 29/5/2006, đặt ra yêu cầu phát triển mô hình KCN - đô thị để vừa tiếp nhận vốn, vừa tiếp nhận dòng lao động các nơi đổ về; vừa phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh dịch vụ thương mại, tạo đà cho đô thị hóa.
Lúc này, hạ tầng cơ sở phát triển, cả tỉnh như một đại công trường. Các KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, Yên Phong, VSIP, Thuận Thành, Quế Võ 2 và hàng loạt các CCN được thành lập đáp ứng mọi sự lựa chọn của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đến từ các nền kinh tế, vùng lãnh thổ khác nhau như SamSung, Foxconn, Nokia, Pepsico, Orion... tạo ra đột phá về quy mô và thương hiệu ngoại.
Đặc biệt ở Nghị quyết số 71-NQ/TU ban hành ngày 29/8/2022 đã được quán triệt triển khai với 5 quan điểm chỉ đạo, 5 mục tiêu chung, 16 mục tiêu cụ thể, triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư… tạo thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Là người đã gắn bó với Ban quản lý các KCN Bắc Ninh từ những ngày đầu, ông Nguyễn Đức Long - Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh - chia sẻ, nghị quyết của Tỉnh ủy chính là “kim chỉ nam” cho hành động của các cấp, chính quyền. Đây là căn cứ để Ban quản lý các KCN Bắc Ninh lập đề án thành lập, quy hoạch các KCN tập trung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trên địa bàn.
Sự có mặt của các tập đoàn nổi tiếng tạo diện mạo mới cho công nghiệp Bắc Ninh |
Theo đó, đến nay Bắc Ninh đã có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích là 6.397,68 ha; 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN đã và đang được triển khai thực hiện.
“Từ những cánh đồng trống trơn đã trở thành những khu tổ hợp công nghệ khổng lồ, thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, nơi hội tụ của những con “sếu đầu đàn”… điều này đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh cũng như nỗ lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn và sự đồng lòng, chung sức của người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Long nói.
Cán bộ là cái gốc
Từ Nghị quyết 04/NQ-TU đến các nghị quyết sau này của Tỉnh ủy Bắc Ninh được coi là những “viên gạch” đặt nền móng, tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo kế thừa, tiếp nối, sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, để đưa các Nghị quyết vào cuộc sống; tạo tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất trong việc thực hiện nội dung thì cần phải có được những con người làm công tác cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Đây được coi là nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Theo đó, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ: Quy định phân cấp quản lý cán bộ; Quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định cán bộ phải trình bày chương trình hành động trước khi khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ trưởng phòng đến giám đốc sở và tương đương; Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giai đoạn 5 năm và hàng năm…
Quá trình thực hiện, các cấp, ngành đã có sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức đối với công tác cán bộ và quan tâm khá toàn diện đến công tác cán bộ; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý, giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, do đó đã xây dựng được đội ngũ cán bộ của tỉnh từng bước nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong những năm qua…
Các cấp, ngành đã có sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức đối với công tác cán bộ |
Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Bắc Ninh đều có những lớp tập huấn về các nghị quyết, chính sách, quy đinh, nghị định, thông tư, luật, để cán bộ công chức viên chức, người lao động được biết, được hiểu để thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Trọng Tân - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh - chia sẻ, cán bộ và công tác cán bộ là một trong những vấn đề có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng".
Thực hiện lời dạy đó, tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã có hàng nghìn lượt cán bộ công chức viên chức của tỉnh Bắc Ninh được cử đi học lý luận chính trị; được cử đi học sau đại học về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý…
Mới đây, nhằm quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết số 117/NQ-CP, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ Bắc Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu sắp xếp các đơn vị hành chính xong trước ngày 30/6/2024. |
Bài 2: Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư