Theo đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển lâm nghiệp khu vực Bắc Trung bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT), tổng diện tích đất có rừng khu vực Bắc Trung bộ gần 2,5 triệu ha, chiếm trên 17% cả nước, độ che phủ rừng chiếm 47,8%. Đặc biệt, khu vực rừng ở Bắc Trung bộ có nhiều loại gỗ, lâm sản, chim, thú quý, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và quốc tế. Rừng sản xuất khá lớn chiếm 34%, rừng phòng hộ chiếm 50% và rừng đặc dụng chiếm 16%. Đây được xem là điều kiện quan trọng để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ở khu vực Bắc Trung bộ.
Trên lĩnh vực thủy sản, toàn vùng có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gần 163.900ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt gần 115.600ha và mặn, lợ là hơn 48.300ha. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ chiếm trên 5% diện tích nuôi cả nước, sản lượng nuôi 139.000 tấn. Khu vực này còn có hàng chục triệu ha mặt nước hồ chứa chưa được khai thác, với 1.947 hồ chứa. Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực Bắc Trung bộ còn rất lớn, đây cũng là giải pháp quan trọng bù đắp giá trị sản lượng thủy sản đánh bắt ngày càng suy giảm.
Một khu vực nuôi trồng thủy sản ở miền Trung |
Ông Đặng Vũ Trân - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng: Bắc Trung bộ là khu vực có nhiều điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng và nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào cải cách hành chính, hỗ trợ và tạo điều kiện về môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đó, để đạt các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực tại các cơ quan liên quan....
Vừa qua, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đã diễn ra Hội thảo xúc tiến đầu tư thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế rừng và nuôi trồng thủy sản khu vực Bắc Trung bộ. Với sự tham dự của các đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT; đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh khu vực miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; đại diện các sở, ngành; các trường, viện, các nhà khoa học và hơn 60 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp trong khu vực Bắc Trung bộ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo giải pháp, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ NN&PTNT; tiềm năng và các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp Quảng Bình; nội dung cơ bản, những điểm mới về Nghị định 57/2018 của Chính phủ và thực trạng, giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng và nuôi trồng thủy sản khu vực Bắc Trung bộ.
Các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý thẳng thắn các nội dung Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các chính sách ưu đãi hỗ trợ về đất đai, định mức hỗ trợ nguồn vốn; có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thông thoáng cho nông dân, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tín dụng. Giảm và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tránh hiện tượng gây phiền hà cho nông dân và doanh nghiệp; cần nghiên cứu hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi và đóng góp các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nông dân và các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong phát triển thủy sản, lâm nghiệp. Trong đó, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản để nông dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt và có hướng đầu tư lâu dài, bền vững; đẩy mạnh kiểm soát, không để xảy ra việc bán sản phẩm gỗ tròn ra ngoài địa bàn tỉnh; áp dụng giống và khoa học công nghệ vào hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ. Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên; xây dựng thương hiệu quốc gia về sản phẩm gỗ Việt Nam.
Trong lần làm việc này, đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ những khó khăn và giải đáp thỏa đáng những thắc mắc, trăn trở của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, người nông dân. Với những vấn đề quan trọng liên quan được các đại biểu góp ý, kiến nghị, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và có trả lời cụ thể cho từng địa phương, doanh nghiệp.