Kiểm tra, giám sát 1.217 cơ sở
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 10.317 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tính đến thời điểm hiện nay có 9.920/10.317 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) và ký cam kết (chiếm 96,15%).
Riêng trong năm 2021 đã cấp được 527 giấy chứng nhận cơ sở đủ điểu kiện, 631 cơ sở được ký cam kết đảm bảo ATTP, tiếp nhận 132 hồ sơ công bố và 590 hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Kiểm tra hàng hóa tại chợ Cầu Kim, thành phố Bắc Ninh |
Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và triển khai mạnh mẽ.
Cụ thể, trong năm 2021, toàn tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát 1.217 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 917 triệu đồng. Trong đó, Ban Quản lý ATTP tỉnh thanh tra, kiểm tra 1.028 cơ sở, số cơ sở đạt chiếm 69,36%; số cơ sở không đạt chiếm 30,64%; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra 66 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng; 67 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản, thuốc thú y.
Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý 19 vụ và xử phạt hành chính với số tiền xử phạt 236,25 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu ước tính hơn 221 triệu đồng; công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý 37 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, khởi tố 02 vụ, 02 bị can về tội buôn bán, sản xuất hàng giả phụ gia thực phẩm.
Ngoài ra, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã tiến hành lấy 3.669 mẫu thực phẩm thông qua các đợt kiểm tra, giám sát và kế hoạch mua mẫu thực phẩm giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2021. Trong đó có 2.695 mẫu đã có kết quả (số mẫu đạt 1.957, số mẫu không đạt 738) và 974 mẫu đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo ATTP góp phần thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP. Đáng chú ý, từ tháng 7/2021, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP đã triển khai quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được công khai, niêm yết tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các thủ tục hành chính ngay sau khi công bố được tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng Thông tin dịch vụ công của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2021 đã tiếp nhận, giải quyết 715 hồ sơ thuộc lĩnh vực ATTP và 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn. Tỉnh cũng triển khai ứng dụng phần mềm “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh”, từng bước thực hiện số hóa các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã tổ chức 174 lớp hội nghị, tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP cho 31.325 người tham gia; tổ chức xác nhận kiến thức cho 109 cơ sở với 734 người là chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cấp phát và treo 1.020 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo ATTP trong các dịp cao điểm và ở trung tâm các xã, phường, thị trấn, các thôn, khu phố…
Đặc biệt, xây dựng và triển khai được 6 mô hình đảm bảo ATTP; triển khai 24 vùng sản xuất rau, quả an toàn, 01 cơ sở sản xuất lúa an toàn với tổng diện tích 20 ha và 173 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap.
Kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP
Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu, 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 85% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và ký cam kết đảm bảo ATTP thuộc tuyến tỉnh quản lý đạt 100%, tuyến huyện quản lý đạt 95%. Tỷ lệ sản phẩm bao gói sản xuất tại địa bàn tỉnh được công bố hoặc tự công bố sản phẩm đạt 100%; tiến hành đánh giá, phân hạng từ 20-30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm về ATTP trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp về thông tin, truyền thông, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai phần mềm quản lý dữ liệu về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất ban đầu, đặc biệt là nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và nguồn thực phẩm cung cấp tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh... để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt các quy định về điều kiện ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật về ATTP... Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm đã công bố hoặc tự công bố theo định kỳ hàng quý. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xử lý.
Mặt khác, triển khai quy hoạch các mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn toàn tỉnh (chuỗi thịt, trứng, rau, củ, quả an toàn...). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, thiết lập hệ thống kiểm soát ngẫu nhiên đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác định mức độ an toàn của thực phẩm.
Ngoài ra, đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị, địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; các làng nghề thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến tại các địa phương nhằm kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm sản, thủy sản an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.