Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra sản xuất đầu Xuân Bắc Ninh đẩy nhanh dự án đầu tư công từ quý I/2025 An toàn thực phẩm mùa lễ hội: Tuyên truyền là yếu tố tiên quyết |
Công tác kiểm soát thiếu chủ động
Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là chợ dân sinh truyền thống, bán lẻ chủ yếu nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả... Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm tại các chợ chiếm trung bình khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung thực phẩm cho các chợ ngoài sản xuất trong tỉnh, còn đến từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu.
![]() |
Tỉnh Bắc Ninh còn khó kiểm soát thực phẩm tại các chợ. Ảnh minh họa |
Để có căn cứ đánh giá nguồn gốc, độ an toàn sản phẩm thực phẩm, năm 2021, Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Theo kế hoạch, năm 2022, có 100% mô hình “chợ đảm bảo an toàn thực phẩm” được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; 7,5% số chợ có kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát).
Năm 2023, có 30% số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát). Tiếp tục duy trì thực hiện kiểm soát tại các chợ tham gia đề án. Năm 2024, có 70% số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát). Tiếp tục duy trì thực hiện kiểm soát tại các chợ tham gia đề án.
Đến năm 2025, 100% các chợ có kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát). Tiếp tục duy trì thực hiện kiểm soát tại các chợ tham gia đề án.
Thực hiện đề án, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn thực hiện kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các chợ vào dịp cao điểm trong năm; tổ chức tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương sản xuất, kinh doanh thực phẩm và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nguồn hàng cung ứng cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ do nông dân sản xuất trực tiếp mang đến chợ bán còn chiếm số lượng lớn, nhiều sản phẩm không có chứng từ, sổ ghi chép chứng minh nguồn gốc…
Để giải quyết tình trạng nêu trên, năm 2024, công tác kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Số liệu của Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, năm 2024 có hơn 6.800 lượt kiểm tra đã được thực hiện, tập trung vào các điểm nóng và sự kiện lớn như Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý 28 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 240 triệu đồng. Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cũng phối hợp với các sở, ngành tổ chức 8 hội nghị phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, với khoảng 1.800 lượt người tham gia.
Cũng trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh có 31 chợ của 5 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn tham gia đề án kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Song đến hết năm, kết quả đánh giá cả 3 lần theo bảng kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, 24 chợ của TP. Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Quế Võ và huyện Tiên Du đều không đạt tiêu chí, còn 7 chợ của thị xã Thuận Thành đề nghị không triển khai thực hiện đề án.
Cần xây dựng văn minh thương mại tại các chợ
Quá trình giám sát, theo dõi và đánh giá các chợ, cơ quan quản lý nhận định có nhiều khó khăn, vướng mắc. Sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số đơn vị cấp xã trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát thực phẩm tại chợ chưa chủ động, kịp thời, thiếu quyết liệt.
Một số chợ chưa thành lập Ban quản lý, Tổ quản lý chợ. Đáng nói, ý thức tự giác của hầu hết các Ban, Tổ quản lý chợ và tiểu thương trong thực hiện ghi chép sổ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm chưa cao.
Bên cạnh đó, các chợ chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, hầu hết đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm. Một số chợ thường xuyên bị ngập úng khi mưa to nên không bảo đảm tiêu chí về cơ sở vật chất, kỹ thuật theo bảng đánh giá của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho hay: Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư phát triển khá toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên trong công tác hoàn thiện, khả năng đáp ứng, văn minh thương mại vẫn còn một số bấp cập, tồn tại.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải yêu cầu Sở Công Thương cần hoàn thiện quy chế quản lý, phát triển chợ; từng bước sắp xếp lại hệ thống chợ trên địa bàn; tập trung xây dựng hệ thống chợ mới mang tính chất văn minh thương mại, hiện đại hơn, đáp ứng được dòng chảy thương mại.
Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại; đẩy nhanh việc hình thành hạ tầng thương mại mang quy mô tính chất cấp vùng, khu vực, góp phần tạo động lực cho phát triển thương mại.
Bên cạnh đó, tất cả các huyện, thị xã, thành phố cũng phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển, củng cố hệ thống chợ trên địa bàn của địa phương mình, trên cơ sở rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống các chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư. Cùng với kế hoạch chung của địa phương, từng chợ cần có kế hoạch chuyển đổi, thời gian, mô hình hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.
Trên cơ sở quy hoạch, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình thu hút đầu tư đối với những địa điểm, vị trí quy hoạch để phát triển chợ, tập trung thu hút đầu tư từ nay đến năm 2027, chậm nhất đến năm 2030, hoàn thành củng cố hoạt động của chợ.
Với vai trò của mình, ông Nguyễn Vinh Thanh - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh – cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế bền vững.
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh sẽ nỗ lực thực hiện trong năm 2025, đó là: Tổ chức thành công hội nghị kết nối, trưng bày và giới thiệu sản phẩm thực phẩm; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xây dựng phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể xây dựng phương án phòng, chống, xử lý khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.
Phấn đấu giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc xuống còn tối đa 1 vụ. Đồng thời, đảm bảo 100% cơ sở thực phẩm được cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết an toàn thực phẩm; nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho 90% người tiêu dùng và 96% người sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ và phân cấp, phân quyền, rõ người, rõ việc, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu: Năm 2025, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc tuyến tỉnh quản lý đạt 100%; xác nhận 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc xuống tối đa 1 vụ; không còn người tử vong do ngộ độc thực phẩm. |