Mới đây, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40).
Sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thành công của Bạc Liêu trong việc thực hiện Chỉ thị 40 là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận cao của người dân.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: baclieu.gov.vn). |
Theo báo cáo, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai 19 chương trình tín dụng, với tổng số tiền cho vay lên đến 8.879 tỷ đồng, phục vụ hơn 575.000 lượt khách hàng. Tính tới ngày 30/6/2024, dư nợ của toàn tỉnh đã đạt 3.195 tỷ đồng với 96.356 khách hàng còn dư nợ, cho thấy nguồn vốn này đã được sử dụng hiệu quả và liên tục phát huy tác dụng.
Thông kê cho thấy, dòng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho 94.062 vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 108.265 lao động; xây dựng 110.199 công trình nước sạch và nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn; hỗ trợ 25.882 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học…
Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Mô hình Nuôi tôm càng xanh tại huyện Phước Long; mô hình trồng màu (hẹ bông, quế giống...), trồng lúa luân canh hoa màu tại huyện Hòa Bình; mô hình “Lúa-Tôm” tại thị xã Giá Rai; mô hình nuôi cá chạch lấu, nuôi cua biển huyện Đông Hải; mô hình nuôi vịt trên ruộng lúa kết hợp thả cá đồng, nuôi cá lóc mùng tại huyện Hồng Dân; mô hình lúa 3 vụ, mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Lợi; mô hình trồng màu của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Bạc Liêu; mô hình nuôi lươn tuần hoàn, nuôi lươn không bùn, nuôi cua đinh…
Những con số trên cho thấy sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu trong việc triển khai các chính sách tín dụng, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đã đánh giá cao những kết quả đạt được của các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, nguồn vốn tín dụng đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, ông Thăng cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để giúp người dân thoát nghèo bền vững.