Bắc Giang: Xử lý 165 vụ vi phạm, nộp ngân sách 1,7 tỷ đồng Bắc Giang: Khó hoàn thành chỉ tiêu 12.500 căn nhà ở xã hội Thừa Thiên Huế: Sắp vận hành nhà máy xử lý rác sản xuất hơn 90 triệu kWh điện/năm |
Trong thời gian qua, Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang tại thành phố Bắc Giang của Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang và Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Hiệp Hòa tại huyện Hiệp Hoà của Liên danh Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại-HHK đã tích tực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bắc Giang thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể khởi công nhà máy theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương thì tiến độ thực hiện một số công việc đối với 2 dự án trên vẫn chưa đạt, còn chậm, có nhiều khó khăn và vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.
Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang hiện nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để trình Bộ Công Thương bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Phối cảnh Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang |
Không những vậy, UBND thành phố Bắc Giang và UBND thị xã Việt Yên chưa hoàn thiện xong phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân sinh sống gần khu vực xây dựng Nhà máy (các hộ dân thuộc thôn Lò, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang và xã Nghĩa Trung, thị xã Việt Yên).
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết các thủ tục hồ sơ pháp lý dự án thì chủ đầu tư làm việc với các đơn vị của tỉnh và các Bộ liên quan, thành phố chỉ được giao làm bước lựa chọn nhà đầu tư và đã thực hiện xong.
Đối với Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Hiệp Hòa vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung công suất phát điện dự kiến của Nhà máy vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tuyến đường đi vào dự án hiện nay rất nhỏ và đi lại lòng vòng, là cánh đồng trũng phải đi qua nhà máy gạch, nhà đầu tư đề xuất huyện có phương án mở rộng tuyến đường hoặc điều đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đầu tư mở một tuyến đường mới đi vào dự án cho thuận tiện. Việc chậm triển khai tháo gỡ kịp thời những khó khăn nên trên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án như kế hoạch đã đề ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang thừa nhận tuyến đường đi vào Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Hiệp Hòa hơi nhỏ. Hiện nay, huyện đã giao cho Ban quản lý dự án huyện khảo sát và trong cuối tháng tháng 4 sẽ báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang.
2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện còn chậm tiến độ (Ảnh minh hoạ) |
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, ngày 9/4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã làm việc với các đơn vị liên quan có Văn bản chỉ đạo số 142/TB-UBND chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Công Thương Bắc Giang chủ động kết nối, phối hợp với Bộ Công Thương để hoàn thiện bổ sung Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định (thực hiện xong trong tháng 4/2024). Hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đấu nối, hòa lưới điện quốc gia theo quy định.
Sở Xây dựng Bắc Giang đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục về xây dựng, thực hiện xong trong tháng 5/2024.
Sở Tài chính Bắc Giang phối hợp với cơ quan liên quan và nhà đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang phương án giá tạm tính xử lý rác thải (chất thải rắn) sinh hoạt theo công nghệ đốt có phát điện để làm cơ sở để ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong tháng 4/2024.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, lựa chọn 01 đơn vị (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo đúng quy định.
Yêu cầu UBND thành phố Bắc Giang và UBND thị xã Việt Yên hoàn thiện phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân sinh sống gần khu vực xây dựng Nhà máy (các hộ dân thuộc thôn Lò, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang và xã Nghĩa Trung, thị xã Việt Yên) hoàn thành xong trước khi Nhà máy vận hành thử nghiệm.
Đối với nhà đầu tư cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện dự án như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trong tháng 4; hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục về xây dựng trong tháng 5/2024; tổ chức khởi công xây dựng nhà máy trong tháng 6/2024;
Đối với Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Hiệp Hòa cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục hành chính đảm bảo khởi công trong tháng 7/2024. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với nhà đầu tư và UBND huyện Hiệp Hòa để hoàn thiện trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án trong tháng 5/2024.
Yêu cầu Sở Công Thương Bắc Giang trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, nghiên cứu, xem xét, tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình Thủ tướng chính phủ cho phép bổ sung công suất phát điện dự kiến của Nhà máy vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Nhà đầu tư khẩn trương tổ chức khảo sát, xây dựng phương án đầu tư tuyến đường vào nhà máy và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 4/2024.
Về phía nhà đầu tư, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Công Thương, bà Ngô Thị Kim, người đại diện pháp luật Công ty cổ phần đầu tư và thương mại-HHK (thành viên liên danh) cho biết tuyến đường hiện nay đi vào dự án là con đường cũ, đường hẹp dẫn đến lưu thông khó khăn.
"Chúng tôi đã đề xuất với huyện nâng cấp tuyến đường để mở rộng hơn hoặc điều chỉnh quy hoạch mở một tuyến đường mới để đi vào dự án nhà máy cho thuận tiện hơn", bà Ngô Thị Kim nói.