Bắc Giang: Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch Mỳ chũ Lục Ngạn – Bắc Giang: Tự hào sản phẩm OCOP |
290 sản phẩm OCOP được xây dựng thành công
Hiện tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao, thuộc tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm OCOP trên cả nước. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 3 sản phẩm thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (điểm du lịch Làng văn hoá Đông Bắc, huyện Lục Ngạn; điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên, huyện Lục Ngạn và điểm du lịch cộng đồng Bản Ven, huyện Yên Thế); 1 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân tiềm năng 5 sao đã được Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng. Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 12/2023, đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận.
Bắc Giang tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP |
Các sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh Bắc Giang phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm sau khi được xếp hạng đạt chuẩn OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Đáng chú ý, Bắc Giang là một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước về phê duyệt đề án và triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành và vận dụng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, tư vấn sản phẩm, xúc tiến thương mại… Từ khi đi vào hoạt động, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho trên 150 lượt HTX, doanh nghiệp với khoảng 450 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia 10 hội chợ, triển lãm, diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu. Nhiều doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP đã chủ động đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có trên 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối khác.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm như hỗ trợ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, công bố chất lượng, máy móc thiết bị… qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, để tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, ngày 26/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2749/UBND-KGVX yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang. Đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử để rộng mở đầu ra.
100% các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử |
Loạt giải pháp quan trọng trong năm 2024
Trước những kết quả đã đạt được, tỉnh Bắc Giang phấn đấu năm 2024 luỹ kế tối thiểu có 350 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025); phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 02 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND triển khai Chương trình OCOP năm 2024.
Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng nhằm thực hiện các nội dung Kế hoạch. Trong đó, tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường…
Các chủ thể tích cực đăng ký tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP |
Để đạt các mục tiêu như Kế hoạch đã đề ra, ngày 13 tháng 12 năm 2023 HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024 - 2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ thuộc 06 nhóm sản phẩm (thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch) theo quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.
Điều kiện hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được cấp có thẩm quyết định công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lần đầu được hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá nâng hạng sao thì trường hợp giữ nguyên hạng sao hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 60 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; trường hợp đạt nâng hạng sao hỗ trợ 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.
Phương thức hỗ trợ là hỗ trợ một lần sau khi sản phẩm được cấp có thẩm quyền cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP.
Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lần đầu được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Ngân sách cấp huyện hỗ trợ đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao của các huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lại giữ nguyên hạng 3 sao tại tất cả các huyện, thành phố.
Với những giải pháp này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.