Bắc Giang: Đẩy mạnh thương hiệu na dai hữu cơ vùng núi Lục Nam
Na dai Lục Nam nổi tiếng bắt nguồn từ những lợi thế, đặc thù địa lý và kỹ thuật chăm sóc tốt, độc đáo của người dân. Tuy nhiên, để loại trái cây này phát triển, tạo được danh tiếng vươn xa thì việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, từ năm 2014, UBND huyện Lục Nam đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Na Lục Nam”.
Người dân Lục Nam phát triển kinh tế nhờ na dai hữu cơ |
Từ đó đến nay, huyện Lục Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đây là những cơ sở quan trọng ban đầu để UBND huyện chuẩn bị hồ sơ, đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “na dai Lục Nam” vào tháng 7/2020.
Hiện nay, diện tích sản xuất na toàn huyện Lục Nam đạt 1.730ha. Trong đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 100ha, diện tích sản xuất theo hướng VietGAP khoảng 1.050ha. Đã cấp mã QRCode truy xuất nguồn gốc (tem truy xuất nguồn gốc) cho 100ha na của Hợp tác xã Na Dai Nghĩa Phương, 35ha của Hợp tác xã Na Dai Lục Nam.
Người trồng na ở Lục Nam đã và đang coi trọng việc sản xuất na bảo đảm an toàn thực phẩm nên áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu cùng và có sức cạnh tranh cao.
Hơn 87% diện tích trồng na trên địa bàn huyện tổ chức sản xuất rải vụ, áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch (từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm). Diện tích na dai sản xuất tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Đây cũng chính là khu vực địa lý nằm trong Giấy chứng nhận mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp.
Đồng thời việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ mang đến ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa mà quan trọng hơn, nó mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp và địa phương chống lại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch.
Để phát huy giá trị của na dai Lục Nam thông qua Chỉ dẫn địa lý, UBND huyện Lục Nam đã và đang hỗ trợ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản; hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì cho sản phẩm; chỉ đạo các xã giữ ổn định diện tích, tăng cường áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện Lục Nam cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, người dân, doanh nghiệp về vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản của địa phương; tiếp tục củng cố và kiện toàn các hợp tác xã na dai hiện có và phát triển thêm một số hợp tác xã na dai khác trên địa bàn; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại cho quả na; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm na dai Lục Nam…