Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi, đê điều phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục phát sinh vi phạm mới, trong khi số vụ vi phạm cũ vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ công trình. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tập trung cao, quyết liệt cho công tác giải quyết vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai gây bức xúc trong Nhân dân.
Bắc Giang hiện có 234 trường hợp vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ. Ảnh: Chính Công |
Hiện nay, tổng số trường hợp vi phạm cần xử lý là 117 trường hợp, trong đó vi phạm về đê điều 91 trường hợp, vi phạm về bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu là 26 trường hợp. Trong đó, huyện Hiệp Hòa là địa phương cần xử lý nhiều nhất với 60 trường hợp.
Để đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh triển khai thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai năm 2024.
Đối với các trường hợp phát sinh sau kế hoạch được ban hành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn đọng vi phạm mới phát sinh. Thời gian thực hiện xong trước ngày 30/6/2024.
Vi phạm về đê điều, hành lang thoát lũ gây bức xúc trong Nhân dân. Ảnh: Chính Công |
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai ở huyện, thị xã, thành phố và xã, phường thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban và các đơn vị liên quan.
Trong lĩnh vực thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và xử lý các vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi. Tổng số trường hợp vi phạm cần xử lý là 117 trường hợp. Nhiều nhất là huyện Yên Dũng 41 trường hợp, tiếp đến là huyện Lục Ngạn 22 trường hợp. Đối với các trường hợp vi phạm phát sinh sau khi kế hoạch được ban hành thì phải tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn đọng vi phạm mới.
Đối với vi phạm liên quan, ảnh hưởng trực tiếp dòng chảy, thực hiện xong trước ngày 30/6; các trường hợp còn lại xong trước ngày 30/11/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra kết quả thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định.