Bà Rịa – Vũng Tàu: Tiểu thương chợ truyền thống đang gồng mình cạnh tranh với chợ cóc
Cùng với sự phát triển của xã hội, thương mại điện tử, bán hàng online, siêu thị hay trung tâm thương mại đã hút đi một lượng khách nhất định của chợ truyền thống. Đây là những “đối thủ” cạnh trạnh mang tính tất yếu và đặt ra những thách thức cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống phải tự làm mới mình và bắt kịp xu thế. Song, tình trạng chợ cóc và bán hàng rong mới là điều khiến các tiểu thương lắng lo hơn cả.
Một chợ cóc trên đường Trần Bình Trọng, TP. Vũng Tàu |
Đây là tâm lý chung và là những phản ánh của các tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tình Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chị Nguyễn Thị Thắm, tiểu thương chợ Vũng Tàu (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho biết, ế ẩm, vắng khách đang là tình trạng chung của các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Vũng Tàu. Khu vực bên ngoài chợ, hàng rong, chợ cóc mọc lên nhưng không được dẹp bỏ. Bên trong chợ, giá dịch vụ các kiot quá cao khiến nhiều tiểu thương phải bỏ kiot ra bên ngoài chợ bán.
“Ở lòng lề đường, tất cả các mặt hàng đều có từ rau, củ, quả đến quần, áo, giày, dép,... theo thói quen người ta đứng ở lòng lề đường người ta mua được thì người ta sẽ không vào chợ nữa. Chúng tôi mong muốn những chợ tự phát, điểm kinh doanh lưu động sẽ được chính quyền TP. Vũng Tàu dẹp đi để tránh ảnh hưởng đến chợ truyền thống”, chị Thắm bày tỏ.
Những biển "Cấm kinh doanh, buôn bán trên lòng đường, vỉa hè" đang trở nên vô dụng.l |
Bà M., một tiểu thương buôn bán mặt hàng rau, củ, quả trong chợ Vũng Tàu bức xúc, chúng tôi vốn đã phải mất tiền thuê mặt bằng, buôn bán ế ẩm, nhưng khu vực bên ngoài chợ họ ngồi trên vỉa hè hoặc có sạp hàng trên xe đạp, xe máy họ bày bán khiến chúng tôi đã ế lại thêm ế.
“Ngày nào cũng vậy, từ khoảng 6h sáng, bên ngoài chợ phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa người ta bày bán đủ thứ rau củ, chúng tôi bán gì họ bán cái đó. Người dân đi chợ, chưa vào đến chợ đã mua đủ các thứ ngay từ bên ngoài thì chúng tôi bán làm sao được”, bà M. ngán ngẩm nói.
Kinh doanh ở chợ Hắc Dịch (TP. Bà Rịa) hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Thắm (TP. Bà Rịa) cho biết, hiện nay trong chợ các tiểu thương đã bỏ ki-ot không kinh doanh vì ở phía ngoài, người dân bày bán tràn lan dưới lòng lề đường, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần rốt ráo ra quân nhưng sau rồi đâu lại vào đó. Trong khi các tiểu thương kinh doanh phía trong chợ vừa phải đóng đủ các loại thuế, phí mà ngày càng ế ẩm, còn người bày bán lòng lề đường không mất phí, tự do buôn bán đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Người dân bán hàng trước cửa trụ sở khu phố |
Còn theo bà Bùi Thị Nga, tiểu thương chợ Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc): Chợ của chúng tôi rất tốt, từ phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, đến cơ sở hạ tầng đều sạch sẽ. Tuy nhiên, các hộ gia đình gần chợ họ có mặt bằng, không đăng ký kinh doanh, họ cho người khác thuê mặt bằng để bán những mặt hàng trong chợ cũng có, do đó các tiểu thương trong chợ không bán được.
“Chúng tôi đóng thuế như thế nào, chúng tôi đăng ký giấy phép kinh doanh như thế nào thì các hộ buôn bán đó cũng phải đăng ký kinh doanh với mặt hàng họ bán. Chúng tôi chỉ cần bán thêm một mặt hàng không có trong giấy phép là bị phạt. Ai cũng có quyền kinh doanh nhưng chúng tôi mong muốn sự công bằng, họ phải đăng ký kinh doanh, bán đúng mặt hàng”, bà Nga bức xúc nói.
Bên cạnh những bức xúc về tình trạng bán hàng rong, chợ cóc cạnh tranh không công bằng với chợ truyền thống. Nhiều tiểu thương cũng cho rằng, lệ phí giá dịch vụ thuê điểm bán hàng theo Quyết định 02/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay thế Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND là cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây, khiến đa số bà con tiểu thương tại các chợ không trả nổi, trong khi chợ thì buôn bán ế ẩm nên phải đóng cửa, bỏ chợ.
Ế ẩm, các tiểu thương phải trưng biển cho thuê, sang nhượng ki-ôt nhưng cũng chẳng ai mặn mà |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 79 chợ nằm trong quy hoạch, trong đó có 3 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 62 chợ hạng 3 và chợ tạm; không có chợ đầu mối.
Trong số 79 chợ thì 66 chợ do nhà nước quản lý (trong đó có 33 chợ thành lập Ban quản lý chợ; 31 chợ thành lập Tổ quản lý, một chợ giao cho hộ kinh doanh quản lý; một chợ giao cho Hợp tác xã quản lý), 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.
Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống cột kèo chịu lực xuống cấp trầm trọng mà chưa được trùng tu, sửa chữa. Hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng không được bảo đảm.
Theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở rất chia sẻ với những bà con tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán trong các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Đối với tình trạng chợ cóc, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của các huyện, thị xã, thành phố giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, chợ cóc, chợ tự phát.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mức giá hợp lý cho tiểu thương phần nào giảm bớt gánh nặng cho bà con tiểu thương.
Ngoài ra, Sở cùng sẽ hỗ trợ các ban quản lý chợ nâng cao cách thức quản lý, vận hành chợ truyền thống; hỗ trợ tuyên truyền quảng bá hình ảnh chợ, sản phẩm đặc trưng để chợ truyền thống hoạt động được hiệu quả hơn.