Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến xây dựng đô thị thông minh Bà Rịa – Vũng Tàu: Phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển |
Làm mới sản phẩm du lịch
Đây cũng là nội dung chính của hội thảo do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Du lịch vùng Đông Nam Bộ và Công ty Saigontourist tổ chức với chủ đề "Tìm con đường mới" cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Bộ hôm nay 9/6 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển mang bản sắc riêng |
Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ giàu tài nguyên du lịch. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh du lịch biển duy nhất của vùng. Địa danh Cap Saint Jacques quen thuộc với giới thượng lưu trong hơn nửa đầu thế kỷ 20. Các tỉnh trong khu vực có đầy đủ mũi nhọn văn hóa, lịch sử, rừng, sinh thái, mua sắm… Thế nhưng sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng, có chiều sâu chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
Trong 6 tháng/ 2023, có khoảng 7 triệu lượt du khách khách đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng hơn 17% so cùng kỳ, trong đó, tổng lượt khách lưu trú ước đạt trên 2,2 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng năm 2023 của Bà Rịa - Vũng Tàu ước đạt hơn 7.000 tỉ đồng. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được 133 dự án đầu tư về du lịch, trong đó có 50 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với loại hình sản phẩm đa dạng và có tính đặc thù, phù hợp với thị trường du lịch quốc tế. Đến tháng 6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.487 cơ sở lưu trú du lịch, 44 đơn vị lữ hành đang hoạt động.
Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hiện nay vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế chưa có sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng so với các tỉnh khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…. Trong đó, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đang tồn tại những hạn chế. Đặc biệt là vào những ngày trong tuần và vào mùa thấp điểm các dịch vụ chỉ đạt công suất từ 40 - 50%. Điều này đã và đang làm cho ngành du lịch địa phương bị chậm lại và tụt hậu so với các tỉnh khác.
Đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh, thành phố khác đang không ngừng tung ra các sản phẩm mới đa dạng phong phú liên tục phát triển, gần đây là sự phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang. Những thuận lợi này đang là lựa chọn ưu tiên của du khách khi đến với du lịch biển.
Song song đó, cho đến thời điểm này, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang ở thế bị động, các tiềm năng du lịch của tỉnh nhiều năm qua chưa được khai thác triệt để, các sản phẩm du lịch của Vũng Tàu ở thế dở dang, không hoàn hảo, thiếu đặc sắc và phát triển có tính tự phát, thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn, không có sản phẩm mới, thừa nghỉ dưỡng, thiếu vui chơi, giải trí… Việc thiếu sản phẩm về đêm này khiến du lịch địa phương không thể giữ khách lưu lại dài ngày, cũng như ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch tỉnh với các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy nhơn, Phan Thiết… kém hiệu quả.
Liên kết cùng phát triển
Nhìn góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đông Hòa - Phó tổng giám đốc Saigontourist Group cho biết mỗi địa phương cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc bổ sung cho nhau nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong liên kết du lịch, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Tăng cường quảng bá du lịch vùng và đặc thù của từng nơi, thay vì quảng bá du lịch riêng của từng địa phương. Thống nhất chung chính sách với các địa phương trong khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư du lịch, du lịch lữ hành theo chuỗi liên tỉnh. Với Bà Rịa - Vũng Tàu cần kết nối khai thác các khu du lịch sinh thái tại các huyện lân cận, các loại hình du lịch trải nghiệm, về nguồn mang tính giáo dục, tạo cảm giác mới mẻ cho khách; phát triển các dịch vụ phố đi bộ, ẩm thực về đêm, đồng thời xây dựng lại thương hiệu du lịch tỉnh.
Ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Khách sạn Imperial đề xuất cần tập trung vào chiến lược nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chuẩn quốc tế, phát triển du lịch sự kiện, quan tâm du lịch giải trí, du lịch sức khỏe, kết nối mạng lưới chăm sóc sức khỏe với TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đừng bao giờ giảm giá để thu hút du khách, mà thay vào đó tập trung cho chiều sâu sản phẩm tăng cảm xúc đẹp cho khách trải nghiệm. Bên cạnh đó, các tỉnh du lịch ven biển nên bắt tay hình thành dải rồng vàng kết nối các tỉnh, doanh nghiệp du lịch ven biển, đồng nhất về sản phẩm, minh bạch về chất lượng dịch vụ.
Theo ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hợp tác, liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng, khu vực không những đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương mà còn hỗ trợ, bổ sung sản phẩm du lịch cho nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh. Việc liên kết còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, khu vực, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần và người dân có thu nhập cao như vùng miền Đông Nam Bộ.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển mang bản sắc riêng, tạo nên tính khác biệt, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch hỗ trợ bổ sung đối với các địa phương trong vùng, khu vực. Do đó, việc tăng cường các hoạt động liên kết trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương cũng như liên kết giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương khác theo tinh thần Nghị quyết số 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hướng đi cần thiết hiện nay.