Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 5.632 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải hành khách, kinh doanh xăng dầu, gas,… với khoảng 10.000 lao động tham gia.
Trong đó, có 12 chợ đang hoạt động; 640 cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp thương mại; 44 cửa hàng xăng dầu và 5 tàu dầu trên mặt nước; 140 cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải; 1 trạm chiết nạp và 60 điểm kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; 85 cơ sở sản xuất rượu;...
Theo đại diện UBND huyện Xuyên Mộc, trong những năm qua, hoạt động thương mại trên địa bàn đã dần ổn định và cải thiện đáng kể, tình trạng gian lận thương mại được kiểm soát chặt chẽ.
Quang cảnh buổi làm việc - (Ảnh: Nguyễn Ngọc). |
Theo đánh giá của UBND huyện Xuyên Mộc, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tương đối ổn định, một số ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành hàng sản xuất ngày càng lớn mạnh như: May mặc, giày da, sản xuất nước uống đóng chai và cán, ép tole.
Một số ngành hàng sản xuất xuất khẩu là thế mạnh của huyện như: Cao su, hạt điều, chế biến gỗ, chế biến hải sản,...
Tính đến năm 2024, toàn huyện Xuyên Mộc có 937 hộ cá thể và 37 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng số lao động khoảng 3.035 lao động tham gia. Cùng với đó là 4 dự án FDI hoạt động trong các lĩnh vực chế biến hải sản, giày da và may mặc, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách sách địa phương.
Ngoài ra, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, còn Cụm công nghiệp Phước Tân đang kêu gọi đầu tư.
Chợ Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã xuống cấp - (Ảnh: Mạnh Quân). |
Tại buổi làm việc, huyện Xuyên Mộc cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong phát triển chợ truyền thống, hạ tầng chợ xuống cấp không đáp ứng nhu cầu kinh doanh; ngành thương mại dịch vụ còn gặp khó về tiêu thụ hàng hóa; hoạt động kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; trang thiết bị sản xuất khu vực kinh tế tư nhân còn lạc hậu, lao động tay nghề thấp gây thiệt hại tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái.
Ngoài ra, địa phương mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành mức giá thuê đất để địa phương kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào Cụm công nghiệp Bình Châu; sớm có trung tâm thương mại như trong quy hoạch được duyệt để phát triển kinh tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sau dịch Covid- 19, sức mua tại các chợ truyền thống giảm 40%, tình trạng bán hàng rong diễn ra tràn lan trước cổng chợ đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, tiểu thương bức xúc. Do đó, địa phương cần phối hợp các lực lượng ra quân, chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các chợ; sớm nghiên cứu, đánh giá việc miễn, giảm thuế cho bà con tiểu thương.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, cơ sở ăn uống cần được chú trọng; quản lý không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ lên giá đối với mặt hàng xăng dầu.
“Huyện Xuyên Mộc hiện đang đẩy nhanh việc rà soát, kiên quyết đưa các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào hoạt động tại cụm công nghiệp Bình Châu để quản lý”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.