Bất chấp cam kết của Thủ tướng May về việc tìm kiếm “sự bảo đảm pháp lý” từ các đối tác Liên minh Châu Âu (EU) về các phần gây tranh cãi của thỏa thuận, dường như rất ít thay đổi kể từ khi cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Anh được hoãn lại kể từ tháng 12 năm 2018 vì nhận định sẽ thất bại. Cho đến thời điểm hiện nay, khi thời gian tính đến ngày 29/3- ngày mà nước Anh sẽ rời EU sau 46 năm gắn bó, vẫn có ba kịch bản chính có thể xảy ra:
Thứ nhất, đạt được thỏa thuận
Đây là Brexit mà chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU mong muốn – nhưng lại khiến nhiều nghị sĩ trong quốc hội Anh phản đối. Thỏa thuận Brexit này đã bị một số thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh cũng như các đảng Dân chủ Tự do và đảng Lao động đối lập từ chối vì nó giữ cho nước Anh gắn quá chặt hoặc quá xa với Liên minh Châu Âu. Thủ tướng Theresa May đã hứa hẹn với các nhà lập pháp rằng sẽ cố gắng có được nhượng bộ từ Brussels nhưng dường như đã thất bại tại hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tháng 12 vừa qua. Chính phủ Anh dự định giới thiệu lại dự thảo hiệp định Brexit tại cuộc bỏ phiếu tới. Nếu không được thông qua, chính phủ đã đề xuất chỉ đưa ra các phán quyết được điều chỉnh của thỏa thuận đó cho đến khi được Quốc hội chấp nhận.
Thứ hai, không có thỏa thuận nào
Điều này được coi là kịch bản “ngày tận thế” có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế ở Anh và làm chậm đáng kể sự tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu. Đây là phương án mặc định nếu quốc hội Anh bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit và không có giải pháp nào khác. Thỏa thuận của chính phủ Anh có nghĩa là giữ các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và thị trường chung EU lớn nhất gần như không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020. Một sự thay đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác nhau sẽ tác động đến hầu hết mọi thành phần kinh tế - và có thể thấy chi phí của các sản phẩm hàng ngày ở Anh tăng vọt. Cả hai bên đã buộc phải tăng cường phương án chuẩn bị cho một Brexit rối loạn trong vài tuần qua. Các doanh nghiệp Anh đang dự trữ hàng hóa trong khi Brussels đang cố gắng tìm cách duy trì các hoạt động lưu chuyển tự do liên quan đến trung tâm dịch vụ tài chính khổng lồ của London.
Thứ ba, cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai
Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý khác kể từ khi cuộc trưng cầu lần thứ nhất ủng hộ việc rời khỏi liên minh với tỷ lệ 52% và 48% hồi tháng 6 năm 2016. Không có luật nào ngăn cản Anh làm lại từ đầu, nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu điều này có dân chủ không - và tại sao một nỗ lực thứ hai nên được ưu tiên hơn lần đầu tiên. Điều này cũng đe dọa sẽ gây ra sự chia rẽ với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đất nước này vẫn đang bị chia rẽ về vấn đề này. Các cuộc kêu gọi trưng cầu dân ý khác đã lan tỏa khắp nơi trong vài tháng qua. Những người ủng hộ lập luận rằng những gì mà người bỏ phiếu cho Brexit đã hứa trông không giống như thỏa thuận được đặt ra và người Anh không bao giờ ủng hộ một kịch bản không thỏa thuận. Nhưng Thủ tướng Anh đã cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai "sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với sự thống nhất về chính trị”. Mà cũng không rõ những lựa chọn nào được đưa ra cho người dân trong cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai- và điều gì xảy ra nếu lá phiếu Brexit lại chiến thắng một lần nữa.