Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho kỹ sư Phan Tử Giang - đồng tác giả công trình Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam |
Trong số 95 công trình, cụm công trình tham gia đăng ký xét tặng giải thưởng đợt 5 này, Chủ tịch nước đã phê duyệt quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho 9 công trình, cụm công trình và tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho 7 công trình, cụm công trình.
PVN vinh dự có 2 công trình, cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN và 1 công trình nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN thuộc đơn vị Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard).
Thông qua việc ứng dụng những thành quả KH&CN, PV Shipyard đã góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với Dự án Tam Đảo 03 là 34,7%. Đồng thời, giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài từ khoảng 43.000 giờ (Tam Đảo 03) xuống còn 11.000 giờ (Tam Đảo 05). Bên cạnh đó, PV Shipyard đã rút ngắn thời gian thi công Dự án Tam Đảo 05 xuống 32 tháng, dù khối lượng chế tạo gấp 1,5 lần so với khối lượng chế tạo của Dự án Tam Đảo 03. Ngay từ dự án đầu tiên chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 thì đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã đảm trách phần thiết kế chi tiết (thiết kế kỹ thuật) và thiết kế thi công, bên cạnh đó đội ngũ PV Shipyard còn đảm nhiệm toàn bộ công tác chế tạo, lắp đặt, tổ hợp giàn khoan Tam Đảo 3 và Tam Đảo 05.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho TS Từ Thành Nghĩa - đồng tác giả cụm công trình Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa nam Việt Nam |
Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp của cụm công trình lên đến 779,7 triệu USD, con số này tiếp tục tăng theo các năm.
Công trình đã phát triển và hoàn thiện tổ hợp công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của khai thác mỏ và điều kiện lịch sử của đất nước. Quan trọng hơn, công nghệ này góp phần làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới. Đó là vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu pha loãng condensate, sử dụng địa nhiệt, bơm nước bổ sung tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin.
Thành công này không chỉ làm giảm chi phí trực tiếp khai thác các mỏ dầu khí mà còn mang lại những ưu điểm nổi bật vượt trội như rút ngắn thời gian đưa các khu vực mới của mỏ vào khai thác, giảm chi phí xây dựng và vận hành khai thác thấp, tận dụng được các giếng khoan thăm dò để đưa vào khai thác. Trên cơ sở các kết quả thành công của công nghệ xử lý và vận chuyển dầu mỏ Bạch Hổ và Rồng đã cho phép Vietsovpetro mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác thành công các mỏ nhỏ, cận biên thuộc Lô 09-1.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho KS Trần Xuân Hoàng - đồng tác giả công trình Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam |
Công trình “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam” của Liên doanh Việt - Nga được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là thành tựu rất lớn của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro nói chung, cũng như tập thể lao động Xí nghiệp Xây lắp Dầu khí. Những năm qua Vietsovpetro đã trưởng thành vượt bậc qua việc thi công chân đế các công trình nước sâu Mộc Tinh, Hải Thạch, giàn Đại Hùng 02, Thăng Long, Đông Đô, Thiên Ưng.
Sau gần 5 năm thực hiện các dự án theo phương án này thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Công trình KH&CN này đã góp phần tăng doanh thu cho Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung bằng việc thực hiện thành công các dự án lớn trọng điểm như Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng, trị giá 70 triệu USD; Dự án Phát triển mỏ Biển Đông 1 (phần chế tạo chân đế Hải Thạch - Mộc Tinh) trị giá 96 triệu USD; Dự án Phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô, trị giá 55 triệu USD; Dự án Thiên Ưng, trị giá 73 triệu USD...
Thành công này cũng minh chứng cho tiềm lực ngành xây lắp công trình biển ở Việt Nam, cụ thể là Xí nghiệp Xây lắp Dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Thành quả này cũng minh chứng rằng, Vietsovpetro đã tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu xây lắp công trình nước sâu trên 100m nước trong khu vực.