ASEAN+3 phối hợp đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư
Tin hoạt động 06/09/2023 19:42
Diễn đàn trao đổi kinh tế Việt Nam - Malaysia Tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ |
Trong năm 2022, thương mại giữa ASEAN và các Đối tác +3 tăng 10,2%, đạt 1.213 tỷ USD, trong khi đó, FDI từ các Đối tác +3 vào ASEAN đạt tới 54,8 tỷ USD, chiếm 24,5% tổng FDI vào ASEAN.
Thông tin tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 26 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Lãnh đạo ASEAN+3 nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2023-2027, trong đó có phát huy thế mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính, y tế… và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu,... hướng tới phát triển bao trùm và bền vững. Đồng thời, tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng ASEAN+3 sẽ có vai trò tích cực, hiệu quả trong đề xuất các giải pháp khả thi, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) |
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN+3 cần phối hợp đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư và liên kết đa phương, bao gồm phối hợp thực hiện hiệu quả các FTA ASEAN+1 với từng Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Hiệp định RCEP.
ASEAN+3 cần mở rộng các lĩnh vực hợp tác, nhất là chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ tài chính Fintech, trí tuệ nhân tạo AI, tài chính xanh, công nghệ xanh… tạo thêm xung lực cho tăng trưởng bao trùm, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đồng thời, cần phối hợp bảo đảm an ninh lương thực từng quốc gia và toàn khu vực trong mọi tình huống - Thủ tướng đề nghị và khẳng định: "Việt Nam sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Mekong-Nhật Bản và Mekong-Hàn Quốc, đóng góp hiệu quả cho phát triển bền vững tiểu vùng Mekong".
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 thông qua Tuyên bố về Phát triển hệ sinh thái xe điện. |
Bên cạnh đó, tất cả các đối tác đều khẳng định coi ASEAN là lực lượng trung tâm trong khu vực, cam kết hỗ trợ xây dựng Cộng đồng, đóng góp trách nhiệm, hiệu quả cho đối thoại và hợp tác và các nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị các Đối tác ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Các Đối tác khẳng định ủng hộ vai trò, nỗ lực và lập trường của ASEAN, cam kết phối hợp chặt chẽ thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trước các thách thức ở khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Đối tác ủng hộ tăng cường đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau.
Sáng mai 7/9/2023, Lãnh đạo các nước sẽ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với Ấn Độ và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Từ ngày 4 - 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Jakarta - Indonesia. Trong chuyến công tác lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia đoàn công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ và có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng như tiếp và làm việc với một số doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia, dự lễ công bố đường bay mới Hà Nội – Jakarta của Vietjet, làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Indonesia (KADIN),... |