Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022: Vai trò tiêu điểm của ASEAN trong một thế giới đang chuyển mình |
Nhân dịp này, ngày 2/11, Bộ Thương mại Campuchia đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức diễn đàn cấp cao về “Tương lai RCEP: kinh nghiệm từ hành trình 10 năm” tại Phnom Penh.
Tại diễn đàn này, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, ASEAN gồm 10 nước thành viên sẽ tiếp tục là động lực cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thông qua vai trò điều tiết trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại khu vực trước đây và có vai trò then chốt đối với việc ký kết thành công hiệp định này.
ASEAN cũng tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt trong suốt giai đoạn thực hiện RCEP. Trên thực tế, vai trò của ASEAN không chỉ giới hạn trong khu vực. Khối ASEAN cần phải đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị hiện nay. Chỉ ASEAN mới có thể cung cấp một nền tảng để giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế đang gây nhức nhối trên thế giới. Vị trí trung tâm của ASEAN là rất quan trọng đối với các sáng kiến khu vực.
Về vấn đề Ấn Độ tham gia RCEP, cánh cửa vẫn rộng mở đối với nước này cũng như các cơ hội cho các nước khác có quan tâm đến hiệp định.
Trong khi đó, Shujiro Urata, Cố vấn Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), cho biết, RCEP đóng một vai trò lớn trong khu vực trong việc đưa các nền kinh tế trở lại con đường phục hồi từ Covid-19. Vai trò này cũng sẽ tiếp tục đối với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của khu vực. Vì vậy, việc thực hiện các cam kết mà các nước đối tác đưa ra là rất quan trọng.
Nhà kinh tế học Sanchita Basu-Das chỉ ra rằng bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng có kẻ thắng người thua và các nước đối tác của RCEP quan tâm đến việc bù đắp cho những kẻ thua cuộc. Tất cả các nước đối tác cũng cần thông qua các kế hoạch hành động quốc gia tương ứng để phù hợp với các chính sách khu vực của hiệp định. Do đó, cần thiết phải có các chính sách hướng tới tương lai trong RCEP liên quan đến số hóa và thương mại điện tử.
Phó Tổng thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN Satvinder Singh đã kêu gọi có một quỹ đầu tư để thúc đẩy năng lực của từng quốc gia nhằm thực hiện các điều khoản RCEP một cách suôn sẻ. Các nước thành viên RCEP ở các trình độ phát triển khác nhau và năng lực thực hiện các điều khoản cũng khác nhau.
RCEP không thể bỏ qua những thách thức to lớn như số hóa và phát triển bền vững. Điều quan trọng là các nước thành viên tập trung vào các lợi ích kinh tế của hiệp định. Do đó, cũng cần thiết có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Tất cả các doanh nghiệp trong khu vực bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khuyến khích sử dụng nền tảng hiệp định này.
Quá trình thực thi RCEP đã bắt đầu đưa ra kết quả khi các nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn. Tất cả các công ty quốc tế lớn hiện nay đều muốn tham gia với RCEP.