Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ (AIFTA): Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN - Ấn Độ kéo dài hai ngày tại New Delhi, các bên đã nhất trí hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi bằng cách tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược ASEAN - Ấn Độ.
Trong tuyên bố đưa ra, các đồng chủ tọa hội nghị cho biết cuộc họp tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các hiệp ước và công ước liên quan khác của Liên hợp quốc. Các ngoại trưởng nhất trí hướng tới việc duy trì một khuôn khổ hợp tác khu vực rộng mở và bao trùm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển dựa trên luật lệ và đề cao chủ nghĩa đa phương trong việc cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được coi là một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất trong khu vực, và Ấn Độ cùng một số quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia, là các đối tác đối thoại của ASEAN. Trong tuyên bố đưa ra, các bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên toàn bộ các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và phát triển bằng cách sử dụng các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt. Hội nghị nhất trí hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ. Hội nghị hoan nghênh hợp tác ASEAN - Ấn Độ trong việc ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa khủng bố, sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, cũng như chống tội phạm xuyên quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác y tế, cuộc họp đã nhất trí hợp tác sản xuất và phân phối vắc xin, nghiên cứu và đổi mới thuốc gốc, hợp tác về thuốc cổ truyền, củng cố cơ sở hạ tầng y tế công cộng và nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực thương mại, hai bên nhất trí hướng tới việc phát huy hết tiềm năng, bao gồm việc tăng cường sử dụng và triển khai hiệu quả Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) bằng việc sớm bắt đầu rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ để đảm bảo rằng đơn giản hơn và dễ sử dụng cho doanh nghiệp. Hai bên cũng nhất trí tăng cường kết nối khu vực, bao gồm cả kỹ thuật và kỹ thuật số, đồng thời khám phá sự hiệp đồng giữa các sáng kiến kết nối của Ấn Độ và ASEAN.
Cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thành và đưa tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan vào hoạt động và mong muốn được mở rộng về phía đông sang Lào, Campuchia và Việt Nam. Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của kết nối hàng không và hàng hải mạnh mẽ hơn.
Tuyên bố của hội nghị cho biết cả hai bên nhất trí tìm hiểu hợp tác tiềm năng giữa Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, kết nối hàng hải và nền kinh tế xanh. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác nhằm quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo, sạch và carbon thấp, bao gồm năng lượng gió ngoài khơi, hydro xanh, phát triển lưới điện thông minh và hướng tới phát triển bền vững.
Quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ bắt đầu bằng việc thiết lập quan hệ đối tác theo ngành vào năm 1992, tiến tới quan hệ đối thoại toàn diện vào tháng 12/1995 và quan hệ đối tác cấp cao vào năm 2002. Mối quan hệ được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012. ASEAN là trung tâm của Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ và tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.