Thị trường chứng khoán phái sinh còn nhiều việc cần làm

Các công ty chứng khoán đánh giá, sau 2 tháng thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) vận hành (từ tháng 8), thị trường đã gặt hái được nhiều thành công, song vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Thị trường chứng khoán phái sinh còn nhiều việc cần làm
Giao dịch chứng khoán phái sinh. Ảnh minh họa

Ông Vũ Duy Linh - đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, khi làm phái sinh công ty rất lo lắng vì là sản phẩm mới, phức tạp. Nhưng sau 2 tháng vận hành, kết quả tại công ty và toàn thị trường đạt được là vượt mức trông đợi. Số lượng tài khoản mở trên hệ thống giao dịch thị trường tăng liên tục, đạt trên 9.000 tài khoản, số hợp đồng mở tăng từng ngày với mức bình quân từ 3.000-3.500 hợp đồng. Khối lượng giao dịch tăng mạnh đạt 372.000 hợp đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt từ 400-500 tỷ đồng/ngày. So sánh với TTCKPS của Thái Lan thì thấy, tốc độ phát triển ban đầu của Việt Nam vượt xa, bởi sau 8 tháng TTCKPS Thái Lan vận hành chỉ đạt 180.000 hợp đồng.

“Khi chúng tôi chuyển tải kênh đầu tư CKPS đến các nhà đầu tư họ đón nhận tích cực với nhận thức sản phẩm có tính đòn bẩy tài chính cao, giao dịch liên thông, có thể tìm kiếm lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro cho tài sản cơ sở. Chúng tôi có thêm nhiều khách hàng, đặc biệt trong xu thế các công ty chứng khoán đang hướng tới là nơi cung cấp tất cả các sản phẩm tài chính phù hợp với nhiều loại nhu cầu, khách hàng khác nhau” - ông Vũ Duy Linh phát biểu.

Để thu hút đầu tư vào TTCKPS, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, đầu tư nước ngoài, một số công ty chứng khoán kiến nghị cần đa dạng hóa sản phẩm, có các quy định cụ thể hướng dẫn nhà đầu tư tổ chức, đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch, có cơ chế khuyến khích hoạt động của các nhà tạo lập thị trường.

Ông Trịnh Hoài Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhận xét: TTCKPS đã có 2 tháng khởi đầu rất thành công, có ngày giao dịch đạt 10.000 hợp đồng, tương đương 800 tỷ đồng, bằng 20% giá trị thị trường cơ sở. Hệ thống giao dịch thông suốt, nghiệp vụ bù trừ, thanh toán chính xác, nhanh chóng, không sai lệch, các cảnh báo rủi ro kịp thời. Trong 1-2 năm tới, giá trị giao dịch CKPS có thể sẽ bằng 100-200% ở thị trường cơ sở.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Vũ Duy Linh, công ty chứng khoán muốn triển khai sản phẩm phái sinh hiệu quả, an toàn phải có hệ thống giao dịch hiện đại. Phải có quy chế chặt chẽ phối hợp với cơ quan nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh khi giao dịch, xử lý tài khoản, ký quỹ chuẩn mực, an toàn. Cần đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư, đội ngũ bán hàng hiểu biết sâu về sản phẩm. Chuẩn bị tốt khâu quản trị rủi ro, có cơ chế kiểm soát hàng ngày, có kịch bản dự phòng ứng phó các rủi ro cuối mỗi ngày giao dịch.

Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, hiện mới chỉ có nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia TTCKPS, cần thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ tham gia. Hiện các quỹ nội địa hoạt động chịu sự giám sát của ngân hàng giám sát, nhưng nếu họ muốn tham gia TTCKPS thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể xác định sự tách biệt giữa tài sản của quỹ với tài sản của các công ty chứng khoán khi ký quỹ, sử dụng có đúng mục đích hay không, vì vậy ngân hàng giám sát chưa cho các quỹ tham gia. Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài thì vướng về quản lý ngoại hối, thanh toán, tiền ký quỹ tại các công ty chứng khoán nội địa để tham gia giao dịch khi có vướng mắc chưa biết xử lý thế nào nên họ quan ngại.

Ngoài ra, chất lượng sản phẩm phái sinh (hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30Index) ban đầu duy nhất đang được triển khai cũng chưa thực sự tốt bởi trong rổ chỉ số có những mã cổ phiếu lớn nhưng tính thanh khoản thấp, khó cho công ty chứng khoán trong hoạt động tự doanh, thực hiện chức năng tạo lập thị trường (giá cao thì bán, thấp thì mua) để tạo thanh khoản thị trường. Theo ông Giang, cần xem xét lại nguyên tắc xây dựng bộ chỉ số này./.

Ngọc Quỳnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.