Nhiều băn khoăn trong việc quản lý kê khai giá sữa

Ngày 10/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư 08/2017/TT-BCT, ngày 26/6/2017 về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhiều băn khoăn trong việc quản lý kê khai giá sữa

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - cho biết, để hướng dẫn cụ thể việc triển khai quy định về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong toàn ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư 08/2017/TT-BCT về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thông tư tập trung vào mục tiêu chính là đảm bảo hài hoà quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN), từ đó đưa ra định giá phù hợp cho các sản phẩm. Tôn trọng quyền định giá của DN và DN phải thực hiện kê khai giá.

Theo ông Nguyễn Lộc An, so với các quy định trước đây, Thông tư 08 tôn trọng quyền định giá của DN đối với hàng hoá của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán này.

Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư 08 dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Trong quá trình xây dựng thông tư này, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tích cực tìm kiếm thông tin thị trường và tham khảo ý kiến các đơn vị liên quan, nhằm đảm bảo xây dựng một cơ chế quản lý giá phù hợp.

Thông tư 08 đề ra một hướng quản lý mới, theo đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước. Đó là đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của DN và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường. Đây là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động để Liên minh châu Âu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

“Trong thời gian triển khai Thông tu 08 sắp tới, nhiều đơn vị thuộc NFG cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý để thực hiện, hướng tới thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, ổn định”, ông Hưng khẳng định.

Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk cho biết, quy định đăng ký và kê khai giá sữa bằng cách DN đưa ra giá bán lẻ khuyến nghị nhằm hài hòa lợi ích với người tiêu dùng. Vinamilk cam kết với Hiệp hội Sữa thực hiện tốt hơn việc đăng ký kê khai quản lý giá sữa.

Mặc dù đánh giá khá cao quy định mới về quản lý giá sữa, song nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 08 có nhiều điểm chưa thông. Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế quan ngại: “Chỉ có 5 ngày thực hiện kê khai giá kể từ ngày tiếp nhận biểu mẫu là khoảng thời gian quá ngắn, nên thực hiện dài ngày hơn. Chắc chắn sẽ có một lượng lớn hồ sơ đăng ký kê khai giá “đổ về” cơ quan quản lý. Trường hợp cơ quan quản lý xử lý không kịp thì hồ sơ sẽ “bị trôi". Bởi vì, do ngoài sản phẩm sữa còn có thực phẩm chức năng, rồi có nhiều sản phẩm sữa nhưng không phải là sữa khi đó thương nhân muốn bán giá nào thì bán”.

Đại diện Sở Công Thương Bình Phước cho biết, tại Bình Phước không có DN sản xuất cũng như nhập khẩu sữa mà chủ yếu do các đại lý, cửa hàng phân phối sữa. Do vậy sẽ rất khó để Sở Công Thương Bình Phước có cơ sở đối chiếu, rà soát xem mức kê khai của đại lý có đúng không. Vị này đề xuất, cần có giá cơ sở để xem xét vì thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.

Còn theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, bắt đầu tư hôm nay (10/8), DN thực hiện kê khai giá sữa nhưng trên thực tế Sở vẫn mơ hồ và hiện chỉ biết dùng các bảng kê khai giá cũ do Bộ Tài chính đã làm để đối chiếu. Trong khi đó giá sữa biến động theo thị trường nên khó xác định, chưa kể có những cửa hàng nhỏ lẻ cũng bán sữa nhưng lại không thuộc diện phải kê khai giá…

Các Sở Công Thương cho rằng, Bộ Công Thương nên có quy định, hướng dẫn cụ thể cách tính chi phí hợp lý để Sở Công Thương các tỉnh vận dụng. Bởi nếu như không có thì sẽ xảy ra tình trạng, tỉnh này đồng ý giá đó nhưng tỉnh khác thì không đồng ý. Kết quả là DN vác hồ sơ lên kiến nghị hoặc “truy” cơ quan quản lý.

Thùy Dương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.