Trường Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng đào tạo

Trước những yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị tuyển dụng, các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó có Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã và đang đưa ra các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức của xã hội.
Trường Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng đào tạo

Chia sẻ tại Hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam” được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho biết: Nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng đang tăng trở lại, nhưng đòi hỏi khắt khe hơn so với trước đây. Lý do, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành ngân hàng khá lớn nhưng đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp lại chưa nhiều, doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại.

Theo TS. Lê Huyền Ngọc - Nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đông Sài Gòn, trong khoảng thời gian 10 năm (2005 - 2015), hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển nhanh chóng, thể hiện qua việc tăng ồ ạt số lượng ngân hàng cũng như các chi nhánh. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó chất lượng nguồn nhân lực chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của ngành.

Một khảo sát từ Viện Nhân lực ngành tài chính ngân hàng cho thấy, lượng sinh viên ngành tài chính ngân hàng ra trường năm học 2012 - 2013 khoảng 32.000 người và đến năm 2016 là 61.000 người, tuy nhiên lượng sinh viên được tuyển dụng chỉ khoảng 50%. Thực tế này phản ánh thực trạng sinh viên tốt nghiệp đi làm tại các ngân hàng còn hổng cả về kỹ năng và kiến thức. Không những vậy, khả năng chịu áp lực công việc, trình độ ngoại ngữ, tin học của sinh viên tốt nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.

Lý do trình độ ngoại ngữ, tin học hạn chế là do hiện nay với chủ trương xã hội hóa giáo dục, rất nhiều trung tâm đào tạo Anh văn, tin học đã đua nhau mọc lên nhưng chất lượng lại đang bị thả nổi. Thậm chí nhiều địa chỉ đeo biển đào tạo, không có đào tạo nhưng vẫn sẵn sàng cấp chứng chỉ khi học viên có nhu cầu. Vì vậy, học viên khi học xong dù được cấp chứng chỉ theo chuẩn A hoặc chuẩn B… nhưng vẫn bị hổng kiến thức dẫn đến khi làm việc tại doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe nói trên, để nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên các khóa sau khi tốt nghiệp, cũng như đáp ứng yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tháng 11/2016 Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định kiểm tra lại trình độ của sinh viên, nếu sinh viên không có chứng chỉ do Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học (FLIC) của trường cấp sẽ phải kiểm tra để xác định đạt chuẩn theo quy định của trường.

Theo TS. Trần Mai Ước - Chánh văn phòng kiêm Trợ lý Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc kiểm tra trình độ tiếng Anh và tin học chỉ áp dụng đối với sinh viên chính quy khóa 32, không áp dụng cho các khóa tuyển sinh khác. Và qua kỳ kiểm tra mới nhất vừa được tổ chức, số lượng sinh viên đáp ứng theo chuẩn mà nhà trường đưa ra trên tổng số sinh viên dự kiểm tra là rất ít, còn ở môn tiếng Anh thì kết quả có khả quan hơn.

Điều này càng khẳng định rằng quyết định của trường là hoàn toàn phù hợp bởi việc đào tạo theo chuẩn nhất định của trường sẽ cung cấp những kiến thức thực tế, đặc biệt là về anh văn và tin học phù hợp cho sinh viên, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo nhu cầu của xã hội.

Xuân Bắc

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.