12:10 | 18/01/2017
![]() |
Tác hại khôn lường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố khi đi vào cơ thể người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, ung thư và hàng loạt các bệnh nghiêm trọng khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác PCTH thuốc lá, thời gian vừa qua, Bộ Y tế, cùng với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các bộ, ngành địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai một số hoạt động nhằm đưa Luật PCTH thuốc lá trong cuộc sống như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân; gắn biển và thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, chú trọng tới các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê, bệnh viện, trường học, công sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc... qua đó đã góp phần giảm thiểu số lượng người hút thuốc.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc đã giảm từ 23,8% xuống 22,5%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm, giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị: Tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, có được kết quả trên phần lớn nhờ vào công tác tuyên truyền rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, bởi lẽ thời gian qua các chế tài xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy để giảm tối đa người hút thuốc, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên hơn. Có như vậy vừa giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong, vừa bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/day-manh-tuyen-truyen-ve-tac-hai-cua-thuoc-la-81813.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.