Kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ

Tối 24/8, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ (1906-2016), đón nhận quyết định công nhận Tam Kỳ là thành phố loại II và đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng 3 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bí thư TP. Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa cho biết, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo dấu ấn xứng đáng là trung tâm của tỉnh Quảng Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

GDP của Tam Kỳ trung bình 10 năm qua luôn tăng trưởng ở mức cao, trong đó giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng trung bình 15%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo đúng mục tiêu đặt ra đó là tăng tỷ trọng thương mại - công nghiệp - dịch vụ (chiếm 97,3%), nâng cao chất lượng nông nghiệp.

Kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ đã đạt được trong những năm qua. Để tiếp tục phát huy, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ nỗ lực hơn nữa hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Tam Kỳ lần thứ XX và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đã đặt ra.

Theo đó, TP. Tam Kỳ sẽ tập trung vào ba mục tiêu chính, đó là: thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị, tạo môi trường sống và phát triển bền vững cho người dân, tập trung nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, văn hóa, lịch sử.

Thứ hai, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - công nghiệp, tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao và chú trọng an toàn thực phẩm.

Thứ ba, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc con người xứ Quảng, thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực khác đồng thời bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động lấy người dân là đối tượng phục vụ và chăm sóc, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh sản xuất trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội đã đặt ra, xây dựng TP. Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam ngày một phát triển giàu mạnh, góp phần cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Là người con của quê hương Quảng Nam thân yêu, tôi xin cùng chia vui và chúc mừng TP. Tam Kỳ trở thành đô thị loại 2 và đón nhận thành tích cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng - Huân chương Độc lập hạng Ba”.

Địa danh Tam Kỳ xuất hiện từ năm 1906 do vua Thành Thái (nhà Nguyễn) nâng huyện Hà Đông lên thành phủ và đổi tên là Tam Kỳ. Năm 1996, khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, Tam Kỳ trở thành thị xã thuộc tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Đến cuối năm 2005, thị xã Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại III. Tháng 9/2006, Tam Kỳ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Với những nỗ lực không ngừng của toàn thể chính quyền và nhân dân TP. Tam Kỳ qua những kết quả đã đạt được, tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Tam Kỳ là đô thị loại II thuộc tỉnh Quảng Nam.

Vũ Lê – Thăng Long

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.