Những bóng hồng trên công trường thủy điện

Đến thăm Thủy điện Lai Châu vào những ngày đầu tháng 3/2014, khi Hà Nội vẫn đang mưa phùn giá rét thì ở đây đã nắng như thiêu đốt. Giữa tiếng xe, máy chạy ầm ào, nắng gió bụi bặm, các công nhân trong đó có nhiều chị em vẫn miệt mài công việc.
Chị Trần Thị Hồng Nhung trên công trường Thủy điện Lai Châu

Chị Trần Thị Hồng Nhung trên công trường Thủy điện Lai Châu

CôngThương - Chị Trần Thị Hồng Nhung, công nhân Xí nghiệp 705  (Công ty  Sông Đà 7) mới 34 tuổi nhưng đã gắn bó với thủy điện được gần 9 năm. Sau công trình Sơn La, chị có mặt ở thủy điện Lai Châu từ những ngày đầu tiên. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị cho biết: “Hai vợ chồng tôi đến từ một huyện nghèo tỉnh Thái Nguyên và đều là công nhân của công ty Sông Đà. Để thuận tiện cho việc học hành của con nên phải gửi cháu ở quê nhờ ông bà nội, ngoại trông giúp, từ Lai Châu về quê xa hơn 700 km nên phải có công việc gì lớn mới về thăm nhà”. Được biết, công việc hàng ngày của các chị là dọn nền, đục sờn bê tông nền, bảo dưỡng ghép cốt pha và xả ben khi đổ bê tông sàn. Là nữ giới nên các anh em cũng ưu tiên hơn, làm việc 8 giờ/ca/ngày.

Khi được hỏi lý do tại sao không lựa chọn công việc ở quê, vừa nhẹ nhàng, vừa ở gần bố mẹ, có điều kiện chăm sóc con cái, chị Nhung thật thà chia sẻ: Trước hết là cũng vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm, manh áo không chỉ cho mình mà còn cho con; thứ hai chị thấy yêu quý công việc này và vùng đất Lai Châu, chị tự hào đã góp phần nhỏ bé cho dòng điện tương lai của tổ quốc. Là một người sinh ra lớn lên ở nông thôn, chị thấu hiểu cảnh thiếu điện của nhiều bà con.

Xin chia sẻ, tri ân những khó khăn vất vả của các chị, chúc các chị - những bóng hồng trên Thủy điện Lai Châu sức khỏe để  “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành nhiệm vụ, góp phần mang đến dòng điện tương lai cho tổ quốc.

 Thuận lợi hơn chị Nhung, chị Nguyễn Thị Hiền, 27 tuổi, hiện đang là nhân viên y tế của Công ty Lilama 10. Quê ở Thanh Hóa nhưng theo học ở Vĩnh Phúc, sau khi xây dựng gia đình và  sinh con chị Hiền đã lên Thủy điện Lai Châu. Hàng ngày, chị luôn theo sát các ca làm việc, xử lý kịp thời các trường hợp ốm đau, tai nạn để hỗ trợ xử lý kịp thời. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ có con nhỏ nên khá vất vả, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo công ty nên điều kiện sinh hoạt cũng bớt khó khăn.

Là phụ nữ ai cũng muốn có một gia đình hạnh phúc, cuộc sống ấm êm và phấn đấu để sau này có điều kiện chăm lo tốt hơn cho con và gia đình, nhưng với chị Nhung, chị Hiền, dù có vất vả nhưng vẫn còn may mắn hơn những hoàn cảnh khác. Đơn cử như chị Hoàng Thị L, chồng ly hôn, một mình nuôi hai con nhỏ, hay chị Phạm T.Thu H, chồng chết vì tai nạn trong khi phải nuôi hai con với mẹ già; có chị mắc bệnh hiểm nghèo mổ khối u, mổ tim... đến đây, tận mắt chứng kiến điều kiện làm việc, sinh hoạt, mới thấy cuộc sống của các chị không dễ dàng gì.

Theo ông Vũ Tiến Lăng – Ban đại diện Công đoàn Tổng công ty Sông Đà tại thủy điện Lai Châu, số lượng công nhân nữ của đơn vị chiếm khoảng 20%. Các lao động nữ ở đây đến từ nhiều vùng quê phía Bắc và làm đủ mọi việc, từ công tác y tế, hậu cần, đến công việc ngoài công trường.

Chúng tôi không có điều kiện gặp hết từng người, nhưng qua tìm hiểu, các chị đến với công trường thủy điện Lai Châu, mỗi người một số phận và nhiều lý do. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, ở họ đều toát lên tình yêu lao động, sự vui vẻ, vượt lên khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy rình rập trên công trường. Dù ở hoàn cảnh nào, trên gương mặt của các chị vẫn bừng sáng lên những nụ cười hạnh phúc.

Vũ Sơn

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.