07:10 | 25/02/2016
![]() |
Cà phê G7 giới thiệu tại một hội chợ ở Singapore |
Bất cập xuất khẩu qua trung gian
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), hiện nay, hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phần lớn qua khâu trung gian thay vì xuất khẩu trực tiếp vào chuỗi phân phối. Ví dụ: Mặt hàng cà phê 90%; đồ gỗ 80%; da giày hơn 70%…
Bất cập của hình thức phân phối qua trung gian là ký hợp đồng xuất khẩu xong doanh nghiệp không biết hàng hóa của mình được phân phối tại đâu. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn không được in nhãn mác sản xuất tại Việt Nam. Do không biết hàng hóa sản xuất ra được bán đi đâu, doanh nghiệp không tiếp cận, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng; không thay đổi kịp theo thị hiếu người tiêu dùng và không cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác.
“Xuất khẩu qua khâu trung gian không tạo ra giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp bị ép giá. Cũng vì bị ép giá, một số doanh nghiệp làm ẩu, hàng mất sức cạnh tranh” - ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
Đưa hàng Việt ra thế giới
Để hàng Việt Nam có thể tiếp cận được hệ thống phân phối thế giới, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3/9/2015.
Mục tiêu của đề án là tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam thông qua các mạng lưới phân phối lớn của nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam như Big C, Aeon, Lotte Mart, Metro; thúc đẩy, mở rộng xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam thông qua các mạng phân phối lớn khác như Walmart, Carefour; phấn đấu giảm tỷ trọng xuất khẩu qua trung gian đối với các mặt hàng cà phê, dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong đó cà phê xuống dưới 80%, đồ gỗ còn khoảng 50%.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về chủ đề đưa hàng Việt tiếp cận chuỗi phân phối nước ngoài mới đây, phần lớn các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài khẳng định: Nội dung, mục tiêu của đề án rất thiết thực. Tuy nhiên, để đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối nước ngoài hiệu quả, thời gian tới cần đưa đề án này vào chương trình trọng điểm quốc gia, coi đó là một mục tiêu để phấn đấu. Ngoài ra, để hàng Việt tiếp cận được với chuỗi phân phối thế giới, doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tất cả các khâu, chuẩn bị hàng mẫu, cho đến cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ - cho rằng, ở mỗi thị trường khác nhau, yêu cầu hàng hóa có những tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, muốn hàng Việt ra nước ngoài thuận lợi, doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận phù hợp với từng thị trường. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan chức năng cần giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính về thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho hàng hóa được thông quan dễ dàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Để hàng Việt Nam tiếp cận được chuỗi phân phối thế giới, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng. |
TIN LIÊN QUAN | |
![]() | Doanh nghiệp tìm điểm tựa từ Tham tán Thương mại |
![]() | Đối thoại với các Tham tán Thương mại |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/can-phuong-thuc-tiep-can-phu-hop-65081.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.