15:58 | 04/11/2015
![]() |
Đại biểu Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đại biểu Yên Bái): Giảm nghèo theo hướng bền vững
![]() |
Hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững triển khai thực hiện cần thực chất, tránh chạy theo thành tích. Cần xác định rõ nội dung từng chương trình để đảm bảo không có sự trùng lặp và giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành điều hành để đảm bảo hiệu quả. Đối với giảm nghèo bền vững, cần phân loại hộ nghèo theo từng nhóm để có biện pháp hỗ trợ thoát nghèo phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là phải tạo được ra công việc cho người nông dân và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao… Không nên đặt vấn đề phải giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo mà phải giảm theo hướng bền vững. Vì vậy, việc đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm 4%/năm là quá cao. Hiện nay tỷ lệ huyện nghèo cả nước là 28%, nếu mỗi năm giảm 4% thì tức là chỉ 7 năm nữa cả nước sẽ hết huyện nghèo. Do vậy, ở những vùng khó khăn không nên đặt vấn đề giảm nhanh mà chỉ đưa ra chỉ tiêu giảm 2% huyện nghèo mỗi năm là phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Đoàn Đại biểu TP. Cần Thơ): Ưu tiên chăm lo đời sống người dân
![]() |
Thực hiện đầu tư xây dựng NTM không chạy theo chỉ tiêu mà cần ưu tiên chăm lo và thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân, đặc biệt là người dân vùng cao, miền núi. Nên gom 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững thành một, để tránh trùng lắp về nội dung, cũng như đảm bảo có đủ nguồn vốn huy động thực hiện.Với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có 50% đạt chuẩn nông thôn, Chính phủ nên xem xét lại chỉ tiêu này có quá cao không bởi theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến đến hết năm 2015, cả nước mới có 1.500 xã đạt chuẩn NTM tức 16,8% số xã trong cả nước. Trong khi đó, trong 5 năm tới phải hoàn thành 30% số xã theo mục tiêu là rất khó. Bên cạnh đó, cách phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương làm nông thôn mới cũng phải thay đổi. Trung ương không giữ ngân sách nữa mà chuyển cho tỉnh bố trí. Đồng thời cũng không chia bình quân, cào bằng cho các tỉnh mà chỉ tập trung cho các tỉnh các huyện, xã khó khăn.
Đại biểu Phương Thị Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp
![]() |
Chương trình xây dựng NTM là chương trình được chính quyền địa phương và nhân dân hưởng ứng tham gia, huy động được sức mạnh của nhân dân, phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương… Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện Chương trình cũng đã xuất hiện một số nội dung bất cập, cần điều chỉnh cho phù hợp: tiêu chí giao thông nông thôn ở vùng núi chưa phù hợp với thực tế, cần có sự điều chỉnh... Vì điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng, địa hình chia cắt, phức tạp… rất khó khăn để thực hiện được đầy đủ theo các tiêu chí của chương trình. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế phù hợp phân bổ ngân sách cho vùng miền núi xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính khả thi của các tiêu chí; xem xét, điều chỉnh lại bộ tiêu chí xây dựng NTM để có chế độ mở, linh hoạt cho địa phương.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/phai-tao-duoc-cong-an-viec-lam-cho-nguoi-dan-60097.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.