11:09 | 22/10/2015
![]() |
Nông dân rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để tự tin hội nhập |
Trăm nỗi âu lo
Theo chị Lê Thị Phượng - nông dân đến từ huyện miền núi Văn Yên, tỉnh Yên Bái, thế mạnh của gia đình chị cũng như nhiều hộ dân ở Yên Bái là trồng quế và sản xuất ra các sản phẩm từ loại cây này. Tuy nhiên, hiện tại sản phẩm của gia đình chị và bà con trong huyện vẫn phó mặc cho thương lái, giá cả được chăng hay chớ đều do thương lái định đoạt.
Không trồng trọt mà làm về chăn nuôi, nhưng nông dân Lê Quang Minh (Bình Dương) cũng có chung nỗi lo về đầu ra như bà Phượng. Gia đình ông Minh có 4 trại gà lạnh, từ nhiều năm nay ông nhận nuôi gia công gà lạnh cho 1 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây khi thịt gà Mỹ giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, trại gà lạnh của ông Minh đã gặp rất nhiều khó khăn và phải ngừng hoạt động. “Bốn trại với số vốn đầu tư 6 - 7 tỷ đồng, giờ tôi chưa biết phải chuyển hướng ra sao? - ông Quang lo lắng.
Nhiều năm gắn bó với cây cà phê và đang làm giàu nhờ loại cây này nhưng ông Y Wit Nie (Buôn Hô, xã Ea Dương, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), không giấu nổi nỗi lo âu khi mà người nông dân như ông vẫn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng phân bón giả, cây giống trôi nổi: “Nhiều người nông dân đã rơi vào cảnh nợ nần do cây giống chất lượng thấp và phân bón giả khiến cho năng suất cà phê giảm, chất lượng cà phê đạt thấp”.
Có thể nói, với mỗi nông dân, mỗi lĩnh vực mà họ theo đuổi đều có những khó khăn, thách thức riêng. Tuy nhiên, ngay cả với những nông dân nhanh nhạy và sáng tạo thì khó khăn lớn nhất, thường trực nhất vẫn là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bởi lẽ “sản phẩm tốt đến đâu, nếu không tiêu thụ được thì người nông dân cũng sẽ sớm rơi vào cảnh trắng tay”.
Để nông dân không phải “tự cứu mình”
Lâu nay, để vượt qua khó khăn, đại đa số nông dân vẫn phải “tự bơi”, “tự cứu mình”. Câu chuyện của nông dân Đinh Văn Thiêm (Nam Định) là một ví dụ. Để lai tạo thành công và làm giàu nhờ giống lợn siêu nạc, cá nhân ông phải chủ động học hỏi, đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật. “Nếu chỉ trông chờ vào nhà nước, chắc chắn tôi sẽ không có đàn lợn giống siêu nạc 200 con như hiện nay, cũng không thể trở thành người cung cấp giống đắt hàng mà nhiều người chăn nuôi biết tiếng...” - ông Thiêm tự hào.
Cố gắng là vậy, nhưng để sản xuất lớn, người nông dân không thể mãi “tự bơi” mà rất cần sự đấu mối, tìm kiếm và kết nối thị trường của Nhà nước, của các cơ quan, ban ngành chức năng. Bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (Kon Tum) chia sẻ: “Nông dân sản xuất nhỏ lẻ không thể lấy “trứng chọi với đá” được. Để trụ được với nghề trồng rau, củ quả xứ lạnh chất lượng cao hiện nay, chắc chắn tôi phải có những quyết định quan trọng. Trong đó tính tới việc mở rộng đầu tư, chuyên sâu vào một vài sản phẩm mà mình có thế mạnh, liên kết với các đối tác hoặc nhóm nông dân...”.
Lấy chính mô hình rừng lâm nghiệp của gia đình ra để ví dụ, ông Đoàn Xuân An (Tuyên Quang) khẳng định, trồng cây nguyên liệu là thế mạnh của Việt Nam, kể cả khi đã gia nhập thị trường chung ASEAN hoặc TPP. “Nhưng để nông dân giàu được từ rừng kinh tế, Nhà nước cần rà roát lại diện tích rừng sản xuất, những nơi nào nông - lâm trường hoạt động kém hiệu quả thì nên giao đất rừng cho nông dân” - ông An nhấn mạnh.
Với lĩnh vực sản xuất lúa, ông Nguyễn Quốc Hùng - nông dân sản xuất lúa giỏi của An Giang cho rằng: “Nhà nước cần xây dựng hẳn chiến lược phát triển ngành lúa gạo bài bản, trong đó tập trung hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ nông dân trồng lúa chất lượng cao với quy mô cánh đồng lớn và nông dân liên kết với doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, chứ không qua các khâu trung gian”.
Việc có chiến lược bài bản và phát triển mối liên kết 4 nhà (Nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học) sẽ góp phần thay đổi được tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ cố hữu của người nông dân. Với tư duy sản xuất mới, kỳ vọng người nông dân sẽ tránh được nỗi đau “thua ngay trên sân nhà”.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nong-dan-rat-can-duoc-ho-tro-59460.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.