Tăng lương tối thiểu

Gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp (DN).

Lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp

Cú sốc lớn

Các DN vừa trải qua thời kỳ gian khó và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tình hình vẫn đang rất khó khăn. Thêm vào đó, nhiều chi phí như vận tải, điện nước… đang đồng loạt tăng giá đè nặng lên vai DN. Do đó, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của DN.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội), kinh tế vẫn chưa thoát đáy, DN khó có thể bố trí được nguồn lương tăng thêm cho người lao động. Việc tăng lương sẽ tạo gánh nặng cho DN, thậm chí cản trở sự phát triển của DN.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng, tiền tăng lương tối thiểu vùng chỉ tính từ ngày 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2-2,3 lần. Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm đã ảnh hưởng lớn đến DN. Với mức đóng như hiện nay, DN và người lao động tại vùng phải đóng bình quân khoảng 900.000 đồng/tháng đối với các DN còn áp dụng thang và tăng tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng/người khi phải chuyển đổi sang bảng lương theo NĐ 49/2013/NĐ-CP.

Khi lương tối thiểu vùng 2016 tăng, mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này còn tăng khoảng 30%. Chẳng hạn, Tổng công ty May 10, với hơn 7.000 lao động, khi áp dụng mức lương tối thiểu tăng thì mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2015 theo tính toán sẽ tăng khoảng 30 tỷ đồng, tương đương với 47% so với mức đóng của năm 2014. Trong điều kiện sản xuất- kinh doanh khó khăn như hiện nay, đây thực sự là một cú sốc đối với DN.

Gia tăng nguy cơ thất nghiệp

Ông Trương Văn Cẩm cho hay, nhiều người lầm tưởng rằng tăng lương tối thiểu, người lao động được hưởng lợi song thực tế không phải như vậy. Đúng là người lao động có mức lương thấp được nâng lên, nhưng chỉ chiếm 10%, số còn lại đều đã được DN trả cao hơn và họ hầu như không được hưởng lợi gì từ việc tăng lương tối thiểu. Thậm chí, thu nhập còn bị giảm khi cả DN và người lao động phải nộp bảo hiểm nhiều hơn.

Việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN làm ăn thua lỗ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10- chỉ rõ nguy cơ: Tăng lương tối thiểu sẽ cào bằng thu nhập giữa bộ phận người lao động thu nhập thấp và bộ phận người có thu nhập cao hơn (do có tay nghề cao). Điều này dễ dẫn đến việc một bộ phận người lao động có thu nhập thấp được nâng lên do tăng lương tối thiểu, sẽ có tư tưởng ỷ lại, không chịu học hỏi nâng cao tay nghề… Hơn nữa, việc tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN.

“Chi phí cao, các DN không đầu tư mở rộng sản xuất, DN nhỏ không trụ vững, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp gia tăng”- bà Huyền lo ngại.

Lê Kim Liên

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.