Kiểm soát website thương mại điện tử: Quyết liệt xử lý vi phạm

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, sai phạm phổ biến nhất của các website thương mại điện tử (TMĐT) là không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng nhái, hàng giả...

Nhiều website TMĐT kinh doanh hàng nhái, hàng giả

Xử lý nhiều vi phạm

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại- Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT), Bộ Công Thương- tính đến hết tháng 6/2015, đã có trên 50 trường hợp đã bị xử phạt, trong đó có 3 sàn giao dịch TMĐT, tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Điển hình như tỉnh Nghệ An kiểm tra gần 30 DN, xử lý 13 trường hợp, phạt gần 300 triệu đồng.

Lý giải về những vi phạm TMĐT ở Nghệ An, ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ xử lý, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An- khẳng định, vi phạm chủ yếu là việc thiết lập website TMĐT nhưng chưa thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Có DN bị xử phạt số tiền cao nhất tới 40 triệu đồng, thấp nhất là 10 triệu đồng vì lỗi không đăng ký.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, năm 2014, Cục TMĐT&CNTT đã xử lý trên 100 trường hợp vi phạm liên quan đến đăng ký TMĐT, tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Đa phần các trường hợp bị xử phạt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tình trạng lừa đảo trên TMĐT ngày càng phức tạp, trong đó phổ biến là hàng điện tử và hàng có giá trị cao.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thực tế hai năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý lành mạnh cho phát triển TMĐT, như: Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thông tư 47/2014/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định cụ thể trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT và Nghị định 185/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các website TMĐT.

Để kiểm soát chặt các website TMĐT, đồng thời ngăn chặn các website TMĐT bán hàng giả, hàng nhái, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, hiện Cục TMĐT&CNTT đang triển khai phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường, Chi Cục quản lý thị trường các địa phương để kiểm tra các website TMĐT bán hàng; các sàn giao dịch lợi dụng TMĐT bán hàng hóa cấm kinh doanh, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trên cơ sở đó, tuyên truyền, cảnh báo tới người dân tại website của Bộ Công Thương, website của Cục TMĐT&CNTT và trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ online.gov.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác về hành vi vi phạm của các website TMĐT, đồng thời hướng dẫn mua sắm trực tuyến an toàn.

Nhằm ngăn chặn tận gốc hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT&CNTT- khẳng định: Các website TMĐT vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP, cụ thể: Xử phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Hiện đã có một số địa phương thành lập các đội liên ngành kiểm tra về TMĐT. Cục TMĐT&CNTT cũng mở lớp tập huấn đào tạo cho lực lượng quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra các website TMĐT.
Lan Anh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.