Sắp có phương án điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định các phương án điều chỉnh giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015.
Sắp có phương án điều chỉnh giá điện

Theo đó, 3 phương án trình Bộ Công Thương lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.

Ông Phạm Lê Thanh – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc EVN - cho biết, giá điện thương phẩm hiện nay đang dưới giá thành nên không thu hút đầu tư vào sản xuất điện. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, thép… sử dụng nhiều điện và được hưởng lợi từ giá điện rẻ trong khi Chính phủ vẫn phải bù lỗ. Sản xuất điện hiện nay vẫn chủ yếu do EVN đầu tư vì các nhà đầu tư khác ngại rủi ro, không dám đầu tư vào lĩnh vực này.

Mặc dù EVN đang triển khai các biện pháp giảm giá thành sản xuất điện như tăng năng suất lao động, giảm hao hụt điện năng, tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp… nhưng về lâu dài, giá điện phải được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường để có nhiều sự cạnh tranh lành mạnh hơn, thu hút đầu tư của nhà cung cấp điện hơn. Khi đó, giá thành sản xuất điện sẽ giảm chi phí xuống mức thấp nhất, tăng hiệu quả quản trị, tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng sẽ được hưởng giá điện cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, so với giá điện của các nước trong khu vực, giá điện tiêu dùng tại Việt Nam vẫn ở mức thấp và đang thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ, về giá điện sinh hoạt, tại Việt Nam chỉ có 7,7 cent/kWh, còn giá điện ở Philippines là 21,72 cent/kWh, Singapore là 21,3 cent/kWh, Thái Lan là 10,65 cent/kWh và Malaysia là 7,29 cent/kWh. Hơn nữa, giá điện đang chịu tác động của nhiều yếu tố, đơn cử như giá than tăng 22% trong khi lượng điện sản xuất từ nhiệt điện chiếm 32,27%. Giá khí từ thời điểm 1/4/2014 đến 1/1/2015 đã có 4 lần tăng giá, cộng thêm thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%. Việc điều chỉnh tỷ giá trong năm qua cũng gây sức ép đẩy chi phí đầu vào của điện tăng lên. Mặt khác, mặc dù giá dầu thô thời gian qua liên tục giảm nhưng thực tế dầu chỉ chiếm 0,55% trong cơ cấu giá thành phát điện, do vậy, việc điều chỉnh giá dầu đã không tác động nhiều đến giá điện. Trong khi đó, rất nhiều các yếu tố khác cấu thành giá điện lại tăng giá mạnh và làm tăng chi phí sản xuất điện.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), 5 năm tới đây, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm và 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. Vì vậy, Việt Nam không thể thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, giá điện là yếu tố đầu vào quyết định của nền kinh tế. Do vậy, để quản lý tốt giá điện, quan trọng là phải có tư duy kinh tế thị trường, phát huy lợi thế so sánh, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm đầu.

Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận.

Khánh Chi

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.