Cồn Cỏ - Đảo “thép” giữa trùng khơi

Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền khoảng 15 hải lý. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên đảo Cồn Cỏ được xem là vọng gác tiền tiêu, là “mắt thần” của biển Đông.

CôngThương - Anh Cao Văn Tân- Phó Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ- tự hào cho biết: Cồn Cỏ là điểm ngoài cùng phân chia với Vịnh Bắc bộ, là đảo tiền tiêu quốc phòng án ngữ vịnh Bắc bộ và biển Đông. Vì vậy quân và dân trên đảo luôn cảnh giác cao độ, không phút giây lơ là trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cồn Cỏ cũng như nhiều đảo khác luôn được đồng bào cả nước quan tâm. Mới đây, ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã ra dự lễ khởi công xây dựng trường mầm non, tiểu học, nhà ở giáo viên huyện đảo Cồn Cỏ, với diện tích xây dựng gần 1.400 m2, tổng mức kinh phí trên 5 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành kịp đưa vào sử dụng năm học mới.

Cồn Cỏ đã có những con phố ngang, dọc. Phố rộng, có cả bùng binh, cột đèn đường..., thậm chí có cả âu thuyền rộng, đẹp, là nơi trú ẩn của ngư dân mùa biển động, nhưng điều mà mọi người cần nhất là những con tàu chở khách lại vắng bóng. Du khách muốn ra đảo phải chờ tàu hàng hay tàu công tác. Chính vì điều đó nên những ngày đầu, khi Làng Thanh niên lập nghiệp được dựng lên ở Cồn Cỏ, có 12 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu, nay chỉ còn 7 hộ dân.

Anh Lê Quang Lanh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ - tâm sự: Huyện đảo thành lập được 10 năm, nhưng hiện vẫn phải có một văn phòng đại diện ở Đông Hà. Anh em cán bộ cứ phải đi tàu thủy ra - vào theo công việc. Có khi vài tuần mới vào một lần. Mùa đông, sóng lớn, gió mạnh có khi đến 4-5 tháng mới vào Đông Hà thăm vợ con. Cuộc sống của quân và dân trên đảo đều dựa vào nguồn thực phẩm tăng gia tự túc, đánh cá, trồng rau khoai, rau cải, bầu bí, sắn khoai, nuôi lợn...

Còn anh Cao Văn Tân đã làm bảng kê hàng loạt khó khăn của đảo như: khát điện, khát nước…Với khoảng 400 nhân khẩu như hiện nay, dùng nước phải dè sẻn mới đủ. Tuy nhiên anh cũng cho biết, dự án cấp nước đang được triển khai, hy vọng sang năm 2015, Cồn Cỏ sẽ không còn nỗi lo thiếu nước.

Có lẽ những ai đã đến Cồn Cỏ đều thấy tiếc nuối vì dù còn sơ khai nhưng năm 2012, Cồn Cỏ  đã đón 52 đoàn với 988 lượt khách, năm 2013 đón 114 đoàn, với 2.005 lượt khách, dự kiến năm 2015 đạt 3.000 lượt khách và đến năm 2020 ước đạt 14.000 lượt khách.

Điều đáng mừng như Phó Chủ tịch Cao Văn Tân cho hay, huyện đang xây dựng thêm một khu dân cư mới để đón thêm 10 hộ dân ra lập nghiệp. Và để hỗ trợ chương trình này, tháng 3 vừa qua, đoàn đại biểu Ủy ban Khoa học - công nghệ của Quốc hội đã ra thăm đảo và thống nhất sẽ xây dựng các cầu tàu để mở tuyến đường thủy Cồn Cỏ- Cửa Việt dài 17 hải lý. Còn với những người giữ đảo thì mong muốn Cồn Cỏ ngày càng đông dân và có thêm những cơ sở hạ tầng. Để có được điều đó, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm đến chính sách di dân ra đảo. Cụ thể, cần đầu tư cho huyện đảo một dự án di dân trọn gói, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư quy mô 1 làng, 50 hộ, có đường giao thông, điện, nước sạch và căn hộ hoàn chỉnh.

Mặt khác, dự án Làng Thanh niên của Trung ương Đoàn TNCSHCM phía Tây của đảo dành cho 51 hộ cần được triển khai hiệu quả…

Mong ước thì nhiều, nhưng Cồn Cỏ hôm nay đang rất cần sự chung tay góp sức của cả nước. Không chỉ cơ sở hạ tầng, huyện đảo cần rất nhiều các dự án lập nghiệp, vì để người dân sống ổn định trên đảo, không chỉ cần nhà mới, mà còn cần những nghề mới. Có như vậy thì đảo tiền tiêu Cồn Cỏ không còn cô đơn giữa biển khơi mà sẽ là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Quan trọng hơn để Cồn Cỏ-  hòn đảo từng được ví là “mắt thần” của biển Đông vẫn vững vàng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo hôm nay.

Trần Minh Tích

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.