10:41 | 16/05/2025
Đại biểu Quốc hội kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm Nghị quyết 68: Bước ngoặt thể chế như 'khoán 10' cho kinh tế tư nhân |
Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều đại biểu đánh giá, đây là một bước đi kịp thời nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững chắc để khối kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
![]() |
Sáng 16/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VPQH |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân là hành động cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt trong các văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 68-NQ/TW. Bà nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết lần này đã có nhiều nội dung thực tiễn, thiết thực, đặc biệt là cách tiếp cận cởi mở và tập trung vào tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đề xuất bỏ quy định báo chí khỏi dự thảo Nghị quyết
Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và tạo chuyển biến rõ rệt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần rà soát, chỉnh sửa một số nội dung nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi. Cụ thể, bà đề nghị bỏ Khoản 11 Điều 4 của dự thảo vì quy định này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết. Khoản này quy định nghiêm cấm cơ quan báo chí và cá nhân đưa tin sai lệch gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo bà, nội dung này đã được quy định đầy đủ trong các luật chuyên ngành như Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin nên không cần thiết phải nhắc lại trong Nghị quyết.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: VPQH |
Đại biểu Việt Nga cũng nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh khi thực hiện chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thực tế cho thấy, nếu thiếu sự kiểm soát hiệu quả, chính sách thông thoáng sẽ bị lợi dụng. Bà dẫn chứng có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện hơn 600 doanh nghiệp "ma" xuất một triệu hóa đơn khống với giá trị gần 64.000 tỷ đồng. Do đó, bà đề xuất Chính phủ cần quy định rõ về cơ chế hậu kiểm, bao gồm liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ số trong giám sát, kiểm tra thực địa và tăng cường chế tài xử phạt.
Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga lưu ý đến nhóm chính sách về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong Chương V. Theo bà, đây là nhóm chính sách có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân. Dù sử dụng tới 85% lực lượng lao động, khu vực này chỉ đóng góp 50 - 58% GDP, cho thấy hiệu suất còn thấp. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần cụ thể, rõ ràng hơn về danh mục dịch vụ, cách thức triển khai và đối tượng thụ hưởng.
Động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng
Đồng quan điểm về vai trò chiến lược của khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nhận định: Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết lần này đã có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc biệt là các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận đất đai, tài chính, tín dụng và công nghệ.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số nội dung cần được xem xét lại để đảm bảo tính khả thi. Đơn cử, tại Khoản 2 Điều 7, quy định chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân thuê lại. Theo đại biểu, quy định này có thể gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng, nhất là tại các địa phương chưa có sẵn nhu cầu thuê từ khu vực tư nhân. Ông đề xuất nên giao quyền cho địa phương quyết định tỷ lệ quỹ đất tùy theo nhu cầu thực tế và quy hoạch phát triển.
![]() |
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: VPQH |
Ngoài ra, tại Khoản 4 và 5 Điều 7, dự thảo quy định sau hai năm kể từ ngày hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp mà không có doanh nghiệp tư nhân thuê đất thì chủ đầu tư mới được phép cho các doanh nghiệp khác thuê. Theo đại biểu Mai Văn Hải, quy định như vậy có thể khiến nhà đầu tư hạ tầng gặp rủi ro và làm chậm quá trình phát triển khu công nghiệp. Ông đề xuất cần có cơ chế linh hoạt hơn, căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế từng địa phương.
Về chính sách thuế, đại biểu Hải thống nhất với việc bỏ phương pháp thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và chuyển sang thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, ông đề nghị cần có lộ trình rõ ràng, đồng thời hỗ trợ hộ kinh doanh về nền tảng số, phần mềm kế toán và đào tạo sử dụng công nghệ. Ông kiến nghị lùi thời điểm áp dụng quy định này sang sau ngày 01/07/2026 để có đủ thời gian chuẩn bị.
Cả hai đại biểu đều thống nhất rằng: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân không thể chỉ dừng ở các tuyên bố chính trị mà phải được thể chế hóa bằng những chính sách cụ thể, phù hợp và có tính khả thi cao. Một Nghị quyết ngắn gọn, đúng trọng tâm nhưng bao trùm được các vấn đề cốt lõi sẽ là đòn bẩy thực sự để kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào sự hưng thịnh và bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân là hành động cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt trong các văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 68-NQ/TW. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-la-nhiem-vu-chien-luoc-khong-chi-la-khau-hieu-387833.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.