11:13 | 15/05/2025
Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc: Kết nối và lan toả Xúc tiến thương mại: Đa dạng ‘kênh’ mở rộng thị trường Xúc tiến thương mại giúp đặc sản vùng cao vươn ra thị trường |
Tạo cơ hội và định hướng mới trong công tác xúc tiến thương mại
Thái Bình, vùng đất nổi tiếng với truyền thống sản xuất nông sản và thủ công mỹ nghệ, không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là cái nôi của nhiều sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) nổi bật. Từ cốm, bánh cáy, mắm cáy đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các đặc sản của Thái Bình đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy sự tiêu thụ mạnh mẽ hơn, Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sáng tạo và hiệu quả, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế nông thôn.
![]() |
Sản phẩm bánh cáy Thiên Đức tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình. |
Đầu năm 2025, một trong những mô hình đột phá của Thái Bình trong việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã chính thức ra mắt cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình. Đây là một không gian mở rộng với diện tích 80m², nơi trưng bày hơn 100 sản phẩm OCOP từ nhiều ngành hàng, bao gồm các sản phẩm nông sản tươi, thủy sản, các sản phẩm chế biến sẵn cho đến thủ công mỹ nghệ.
Trong số này, hơn 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương của tỉnh Thái Bình, từ bánh cáy Thiên Đức, kẹo lạc Đình Mạnh, gạo Bình Thanh, mắm cáy, đến các sản phẩm thủ công như trà thảo mộc AP Phú Hưng. Cửa hàng không chỉ là nơi để người tiêu dùng tìm mua các đặc sản mà còn là một trung tâm kết nối giữa các sản phẩm địa phương và thị trường rộng lớn.
Chia sẻ về mô hình này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thái Bình, cho biết: “Cửa hàng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, giúp các sản phẩm OCOP được biết đến rộng rãi, đồng thời tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất của tỉnh tìm đầu ra ổn định. Chúng tôi mong muốn sản phẩm OCOP của Thái Bình tiêu thụ tại chỗ và có thể vươn xa, đi đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thậm chí là xuất khẩu, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho nông dân”.
Những câu chuyện đưa thương hiệu địa phương vươn xa
Sản phẩm trà thảo mộc AP Phú Hưng là một ví dụ điển hình về hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại. Ông Vũ Xuân Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại AP Phú Hưng (Hưng Hà) chia sẻ: “Khi sản phẩm được đưa vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm truyền thống của chúng tôi được biết đến nhiều hơn không chỉ ở tỉnh Thái Bình mà còn ở các địa phương khác. Cửa hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, bên cạnh bán được hàng, chúng tôi còn được giúp đỡ về việc cải tiến, đổi mới mẫu mã, bao bì giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường hiện đại”.
![]() |
Gian hàng của HTX Làng Nghề Lụa Đũi Nam Cao tại Hội chợ OCOP Khu vực đồng bằng sông Hồng – Quảng Ninh 2025. |
Tương tự, các sản phẩm đặc trưng như mắm cáy chợ Gốc hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Kiến Xương cũng đã được hưởng lợi lớn từ các chương trình xúc tiến thương mại. Việc được đưa vào các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử đã giúp những sản phẩm này không chỉ có mặt tại các thị trường trong tỉnh mà còn xuất hiện trên bản đồ tiêu dùng của các thành phố lớn và quốc gia khác.
Hướng đi mới thúc đẩy kênh tiêu thụ và phân phối
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Thái Bình là sự kết hợp giữa các hình thức bán hàng truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, việc đưa các sản phẩm vào các nền tảng thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội tiêu thụ mạnh mẽ hơn.
Theo bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các chủ thể OCOP về bán hàng trực tuyến, kỹ năng sử dụng các sàn thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, khoảng 100 sản phẩm OCOP của Thái Bình đang có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng hệ thống điểm bán hàng Việt tại các huyện, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố và tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nông sản của Thái Bình được lan tỏa rộng rãi hơn. Đây là mô hình quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho người dân, bảo vệ thương hiệu đặc sản quê hương và góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương trong tỉnh”.
Các chương trình xúc tiến thương mại của Thái Bình không chỉ giới hạn ở hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu, mà còn đi kèm với những hỗ trợ thực chất, giúp các chủ thể OCOP nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững. Thông qua các khóa tập huấn về kỹ năng bán hàng trực tuyến, cải tiến sản phẩm, đổi mới mẫu mã và bao bì, nhiều cơ sở đã từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại.
Đặc biệt, mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đang trở thành bệ phóng hiệu quả, giúp các sản phẩm địa phương không chỉ tiêu thụ tốt tại chỗ mà còn từng bước mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. Đây chính là hướng đi thiết thực, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nông dân và góp phần lan tỏa thương hiệu đặc sản Thái Bình ra xa hơn.
Với chiến lược xúc tiến thương mại hiệu quả và sự đồng hành của các cơ quan chức năng, sản phẩm OCOP Thái Bình đang tiến gần hơn đến mục tiêu không chỉ phát triển bền vững mà còn lan tỏa rộng rãi, khẳng định giá trị đặc trưng của đất và người Thái Bình. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/thai-binh-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-cho-san-pham-ocop-387675.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.