Ô tô Xiaomi lao đao vì có sản phẩm gây tai nạn

Sau tai nạn nghiêm trọng với mẫu xe điện SU7, Xiaomi đối mặt làn sóng chỉ trích từ người tiêu dùng Trung Quốc, khiến đơn đặt hàng sụt giảm mạnh.
Xiaomi hé lộ thời điểm bàn giao xe ô tô điện đầu tiên Siêu xe do hãng điện thoại Trung Quốc chế tạo có gì đặc biệt? Sản xuất ô tô: Apple 'chịu thua', Xiaomi phát triển

Theo Reuters ngày 15/5, các nhà phân tích cho biết, hãng công nghệ Trung Quốc Xiaomi đang chứng kiến lượng đơn đặt hàng mẫu xe điện SU7 giảm mạnh, giữa lúc công ty và CEO Lei Jun phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng.

Chiếc sedan điện mang kiểu dáng thể thao SU7 từng trở thành hiện tượng tại Trung Quốc sau khi ra mắt vào tháng 3 năm ngoái. Đến tháng 12, doanh số xe này thậm chí đã vượt Tesla Model 3 về doanh số hàng tháng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Mẫu xe đầu tiên của hãng công nghệ Trung Quốc đang gặp nhiều chỉ trích. Ảnh: CNN
Mẫu xe đầu tiên của hãng công nghệ Trung Quốc đang gặp nhiều chỉ trích. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích nổi lên từ tháng trước sau một vụ tai nạn liên quan đến chiếc SU7. Vụ việc vẫn đang được điều tra nhưng đã làm dấy lên tranh cãi trong dư luận về độ an toàn của các tính năng lái xe thông minh mà Xiaomi trang bị. Sau đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã siết chặt quy định liên quan đến việc quảng bá các công nghệ này.

Cho đến nay, Xiaomi không đưa ra phản hồi khi được Reuters đề nghị bình luận.

Theo ghi nhận của Ngân hàng Deutsche Bank, lượng đơn đặt hàng mới cho SU7 trong tháng 4 đã giảm 55% so với tháng 3. Xu hướng giảm tiếp tục diễn ra trong tháng 5, với chỉ 13.500 đơn được ghi nhận trong hai tuần đầu tháng.

Tuần trước, Xiaomi lại rơi vào tranh cãi khác khi phải xin lỗi vì "truyền thông chưa rõ ràng" sau hàng loạt phàn nàn từ người mua.

Nhiều chủ xe SU7 bản Ultra cho biết, Xiaomi đã quảng cáo sai về thiết kế mui xe sợi carbon có hai hốc gió, trang bị tuỳ chọn có giá 42.000 nhân dân tệ (gần 6.000 USD). Gần 400 khách hàng yêu cầu hoàn tiền sau khi phát hiện bộ phận này không có khe thoát gió như mô tả. Sự việc cho thấy không chỉ khủng hoảng niềm tin với Xiaomi SU7 mà còn phản ánh "sự lệch lạc giá trị" trong ngành xe điện mới nổi.

CEO Lei Jun, người có 26 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo, thừa nhận đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với ông kể từ khi thành lập Xiaomi.

Một số khách hàng và nhà phân tích còn chỉ ra rằng, thời gian giao xe của Xiaomi khiến người dùng hoang mang. Nhiều người nhận xe sớm hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, làm dấy lên nghi ngờ công ty đang cố tạo cảm giác "cháy hàng" để thu hút sự chú ý.

Trần Đình

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.