Gỡ nút thắt về vốn: Cơ hội để doanh nghiệp nhỏ 'vươn mình'

Khó khăn trong tiếp cận vốn đang khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó trong triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Kiến nghị giảm thuế cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nuôi dưỡng nguồn thu Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa P4G tài trợ hàng chục triệu USD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

"Khát vốn" – bài toán khó với doanh nghiệp nhỏ

Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này đang đóng góp trên 40% GDP, tạo ra hơn 50% tổng số việc làm và đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

“Những số liệu này đã khẳng định vị thế to lớn của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức” – TS. Mạc Quốc Anh nêu thông tin.

​Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Ảnh minh họa
​Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, quý I/2025, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 72,9 nghìn doanh nghiệp, mặc dù tăng đến 18,6% so với cùng thời điểm năm 2024 nhưng vẫn chưa bù lại được số doanh nghiệp công bố rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm với 78,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp nhỏ và vừa là '‘nòng cốt’' của nền kinh tế, tuy nhiên khu vực doanh nghiệp này đang phải đối mặt với những thách thức về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường…

Trong đó, liên quan đến tiếp cận vốn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, giá trị tài sản hữu hình không lớn, trong khi các tổ chức tín dụng lại ưu tiên cho vay dựa trên tài sản đảm bảo. Điều này dẫn đến tình trạng ‘'khát vốn'’ ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn, cản trở nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư công nghệ của doanh nghiệp.

Cũng nói về những khó khăn của khu vực doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch điều hành, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Quý I/2025, bình quân 1 tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới, cộng với những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu… đang làm gia tăng các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài các khó khăn trên, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là những rào cản chính đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Gỡ nút thắt về vốn: Cơ hội để doanh nghiệp nhỏ 'vươn mình'
Cần có những giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ tiếp cận vốn

Trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030, TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của kinh tế quốc gia.

Bởi để giải quyết các thách thức, khơi thông động lực tăng trưởng, không thể chỉ trông chờ vào sự nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp mà cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành hàng.

Từ phân tích đó, TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, cơ quan nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ và dài hạn, liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tài chính. Trong đó, để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn, cần xây dựng mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng một cách đồng bộ, chuyên nghiệp ở cả trung ương và địa phương. Quỹ này đóng vai trò trung gian bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn tại các ngân hàng, giúp giảm đòi hỏi về tài sản thế chấp.

Cùng với đó, phát triển các mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending), quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình huy động vốn cộng đồng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tạo cơ chế pháp lý rõ ràng để các mô hình này vận hành an toàn, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận vốn.

Để giải quyết bài toán vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Mạc Quốc Anh cũng đề xuất, hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán phù hợp, ví dụ như sàn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các yêu cầu niêm yết đơn giản hơn. Ngoài ra, cần minh bạch thông tin để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, cần có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn được thuận lợi.

Bên cạnh đó, sớm nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp, tích hợp với cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN và các bộ, ngành, thuế, hải quan,… Từ đó, tạo cơ sở hình thành kho dữ liệu về doanh nghiệp, giúp các tổ chức tài chính giảm thời gian thu thập thông tin và thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp. Đồng thời, cần chỉ đạo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tích cực triển khai hoạt động cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thay đổi bằng việc nâng cao năng lực quản trị, tích cực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Nguyễn Hoà

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.