10:04 | 04/05/2025
Sắp diễn ra Triển lãm công nghệ thông minh lần thứ 2 Khai mạc Triển lãm HanoiTex & HanoiFabric 2024 Loạt triển lãm trong lĩnh vực Công Thương khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh |
GITEX VIETNAM sẽ lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội từ ngày tháng 10/2026. Sự kiện do Trung tâm Thương mại thế giới Dubai (DWTC) và KAOUN International phối hợp tổ chức với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC).
Quan hệ hợp tác chiến lược này được xúc tiến bởi Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu (TBI), đánh dấu một chương mới trong hành trình mở rộng toàn cầu của GITEX, đồng thời là sự kiện trọng điểm trong Tuần lễ Đổi mới Quốc gia của Việt Nam, hướng đến việc thúc đẩy hệ sinh thái quốc gia đạt mục tiêu có nền kinh tế số trị giá 200 tỷ USD vào năm 2030.
![]() |
Triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới sắp chính thức được tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
GITEX tiếp tục mang đến cơ hội tiếp cận chưa từng có với các thị trường mới, nguồn vốn, nhân tài, quan hệ đối tác và cơ hội phát triển - những giá trị mà chỉ thương hiệu triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới mới có thể mang lại. Với danh tiếng kéo dài 45 năm, GITEX đã trở thành biểu tượng cho sự kết nối quốc tế và mở rộng toàn cầu, cũng như đang có mặt tại 7 quốc gia và 4 khu vực, bao gồm Đức, Morocco, Nigeria, Singapore, Thái Lan, UAE và mới nhất là Việt Nam.
Thông báo được công bố sau khi sự kiện GITEX ASIA khép lại vào tuần trước, nối tiếp các tuyên bố chung gần đây giữa Việt Nam và UAE về việc khởi động đàm phán thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) nhằm nâng tầm quan hệ thương mại và kinh tế song phương.
Phiên bản đầu tiên của GITEX tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nổi bật tiềm năng to lớn của đất nước hình chữ S với cộng đồng toàn cầu, mở ra những cơ hội đầu tư chuyển đổi số, thúc đẩy các quan hệ đối tác mới và tăng tốc khả năng vươn tầm thế giới của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam.
Sự kiện sẽ quy tụ không chỉ các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu mà còn các nhà hoạch định chính sách, startup, nhà đầu tư và lãnh đạo tư tưởng để cùng thảo luận về các chủ đề trọng điểm như kinh tế khởi nghiệp, công nghiệp bán dẫn, Công nghiệp 5.0, sản xuất tiên tiến, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), DevOps, an ninh mạng và phát triển nhân tài.
Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ năng động của khu vực Đông Nam Á và là đầu mối then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc gia này hiện xếp thứ hai và thứ năm toàn cầu về xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn đã vượt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024 (theo SEMI). Ngành sản xuất và xây dựng tiếp tục dẫn đầu phát triển kinh tế quốc gia, với 17,4 triệu lao động và chiếm 33,4% tổng việc làm toàn quốc (theo GSO).
Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành trung tâm công nghệ thông tin và an ninh mạng của khu vực vào năm 2030. Các ưu tiên trong chiến lược bao gồm phát triển hạ tầng AI, an ninh mạng, mạng Internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu xanh và các khu công nghệ thông tin chuyên biệt.
Việc tổ chức GITEX VIETNAM sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra nền tảng đối thoại giữa các bên liên quan, xây dựng các quan hệ hợp tác mới, mở rộng cơ hội đầu tư và cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất. Đây được coi là một cơ hội đặc biệt để Việt Nam kết nối sâu rộng hơn với cộng đồng công nghệ toàn cầu, đồng thời định hình tương lai của nền kinh tế ứng dụng AI và chuyển đổi số. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/co-gi-tai-trien-lam-cong-nghe-the-gioi-tai-viet-nam-385923.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.