Lớp học C5: Hành trình gieo chữ cho trẻ khiếm thính

Giữa phố phường Hà Nội, lớp học C5 vẫn thầm lặng gieo mầm tri thức cho trẻ khiếm thính bằng ánh mắt, bàn tay và tình yêu thương của những người thầy đặc biệt.
Hà Giang: Khánh thành lớp học tặng thầy, trò vùng cao biên giới Lớp học tình thương Ngọc Việt: Thắp lên niềm tin, soi sáng tương lai Thắp sáng tương lai ở lớp học tình thương cầu Rạch Ông

Ra đời từ năm 2016, lớp học C5 (sau này phát triển thành Trung tâm Vì sự phát triển ngôn ngữ và giáo dục trẻ Điếc C5) được sáng lập bởi một nhóm phụ huynh có con là trẻ điếc cùng các giáo viên điếc, những người thấu hiểu rõ nhất rào cản ngôn ngữ mà các em đang phải đối mặt. Không giống như mô hình giáo dục truyền thống, nơi tiếng nói là công cụ chính để truyền đạt, lớp học C5 chọn một hướng đi đặc biệt: Giảng dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH), với 100% giáo viên là người điếc...

“Giống như một đứa bé học ngôn ngữ từ cha mẹ, NNKH chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ điếc. Nếu được tiếp cận kiến thức qua NNKH từ chính giáo viên khiếm thính, các em sẽ hiểu nhanh và học hiệu quả hơn”, thầy Phạm Anh Duy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Tại đây, chương trình học được thiết kế riêng, tinh giản, tập trung vào các môn cốt lõi như: Toán, Tiếng Việt và kỹ năng sống. Những nội dung phụ thuộc vào thính giác được lược bỏ, thay bằng các hoạt động trực quan, video sinh động và tương tác qua ngôn ngữ ký hiệu. Học sinh không chỉ học chữ, học số mà còn học cách bảo vệ bản thân, làm chủ cuộc sống, từng bước phá bỏ rào cản với thế giới bên ngoài.

Em Phan Thanh Sơn, học sinh lớp C5 tâm sự: “Ở đây, giáo viên là người điếc như em nên em hiểu bài rất nhanh. Em mong sau này trung tâm có thêm các cấp học để em tiếp tục học lên”.

Lớp học C5: Hành trình gieo chữ cho trẻ khiếm thính

Thầy Phạm Anh Duy đang dạy học sinh điếc những kiến thức về an toàn cá nhân, một hành trang quan trọng để các em học cách tự bảo vệ bản thân. (Ảnh: Thúy Hiền)

Sau 9 năm hoạt động, Lớp học C5 đã đào tạo ba khóa học sinh và trở thành điểm tựa cho hàng chục gia đình có con là trẻ điếc. Dù vậy, hành trình của trung tâm vẫn gặp không ít khó khăn do hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất. "Chúng tôi khao khát có thêm sự hỗ trợ để mở rộng không gian học tập, giúp các em có môi trường học tốt hơn", thầy Duy bày tỏ.

Một mong mỏi lớn hơn mà trung tâm luôn theo đuổi, đó là ngôn ngữ ký hiệu được công nhận là ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục và pháp luật Việt Nam. Khi đó, trẻ điếc sẽ có quyền học tập, thi cử và tiếp cận các cấp học cao hơn một cách bình đẳng.

Nguyễn Ngọc Thảo Nhi, một học sinh của trung tâm, mơ ước trở thành giáo viên dạy trẻ điếc: “Em muốn giúp các bạn giống em được học, được hiểu và có tương lai tươi sáng hơn”. Ước mơ ấy, giản dị nhưng sâu sắc, là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần “học để thay đổi cuộc đời”.

Trung tâm C5 không chỉ là nơi dạy chữ, dạy kỹ năng sống, mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng học tập bền bỉ của trẻ điếc, những đứa trẻ chưa từng đầu hàng trước số phận. Nhưng để hành trình ấy được nối dài, để ước mơ học lên cao của các em không mãi dang dở, rất cần sự chung tay của xã hội.

Thúy Hiền

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.