Đánh thuế đồ uống có đường: Doanh nghiệp ‘khó chồng khó’

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế với đồ uống có đường khiến doanh nghiệp ‘khó chồng khó’, từ đó kiến nghị chưa đánh thuế TTĐB với mặt hàng này.
Đồ uống có đường: Càng nhiều đường càng nên đánh thuế cao Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường: Doanh thu và sản lượng của ngành sẽ giảm 3.928 tỷ đồng Áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường: Nhiều luồng ý kiến trái chiều

Thay đổi xu hướng tiêu dùng

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi được Bộ Tài chính xây dựng đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024 và dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc vào tháng 5/2025.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (thuế đường) đã trở thành một xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây,

Luật Thuế TTĐB sửa đổi bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế. Ảnh minh họa

Theo đó, một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế là, dự thảo luật đã bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất dự kiến 10%, với mục tiêu làm giảm tình trạng thừa cân, béo phì, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nước giải khát có đường lại không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì. Cụ thể, các nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì là do chế độ ăn, ngủ thiếu khoa học, ít vận động và đồ ăn chứa nhiều dinh dưỡng…

Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Việt - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường có thể dẫn đến những tác động không mong muốn khi người tiêu dùng chuyển từ các sản phẩm nước uống chính thống, có nguồn gốc rõ ràng sang sử dụng sản phẩm thay thế không nhãn mác, được bán công khai.

Đáng lưu ý, những sản phẩm này thậm chí còn chứa lượng đường cao hơn nước giải khát và tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, việc đánh thuế 10% vào nước giải khát có đường có thể khiến mức tiêu thụ các sản phẩm này sụt giảm 20%, nhưng lại không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ giảm lượng đường tiêu thụ, mà có thể chỉ đơn thuần là chuyển sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn, ít được kiểm soát hơn.

Đặc biệt, khi người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không phải chịu thuế sẽ khiến nhà nước mất đi nguồn thu và người tiêu dùng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho sức khỏe.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường được cho là cần được đánh giá tác động một cách toàn diện hơn.
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường được cho là cần được đánh giá tác động toàn diện hơn. Ảnh minh họa

Tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế TTĐB" diễn ra mới đây, ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho rằng: Cần cân nhắc chưa nên đưa nước ngọt vào đối tượng chịu thuế ở thời điểm này.

Ông Phạm Văn Hòa đưa ra hai nguyên nhân trước đề xuất trên. Thứ nhất, nước giải khát có đường không phải là yếu tố chính gây thừa cân, béo phì. Thứ hai, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành nước giải khát hiện vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau dịch bệnh.

Theo ông Phạm Văn Hòa, các doanh nghiệp ngành giải khát những năm qua đã đóng góp tích cực vào thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế, nên việc đánh thuế vào nước giải khát sẽ khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn thu và tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tại phiên họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, các doanh nghiệp với vai trò là động lực quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, rất cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, từ đó, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài.

“Do vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững là chưa phù hợp” - TS Cấn Văn Lực thông tin.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc áp thuế TTĐB 10% lên nước giải khát có đường vào thời điểm này có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP và thu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch.

Thực tế, đề xuất áp thuế TTĐB lên mặt hàng nước giải khát có đường đã được đưa ra từ gần 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua, phần nào cho thấy sự thận trọng là cần thiết.

Được biết, ngày 24/4, Bộ Tài chính dự kiến sẽ họp với một số đơn vị để rà soát nội dung Luật Thuế TTĐB.

Trước đó, chia sẻ tại hội thảo liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây, ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) - cho biết, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi liên quan đến chính sách thuế đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội một số nội dung, trong đó có nội dung giãn lộ trình tăng thuế TTĐB với các mặt hàng có trong dự thảo.

TS Cấn Văn Lực: Đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường sẽ gây ra tác động tiêu cực tới doanh nghiệp trong ngành nước giải khát cũng như các ngành khác trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Linh Đan

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.