18:10 | 17/04/2025
Cắt giảm gần 30% thủ tục hành chính
Chiều 17/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
![]() |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cơ bản bảo đảm mục đích, quan điểm xây dựng Luật gồm: Thể chế hóa và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Luật các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật số 69).
Giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Minh bạch hơn hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình về hoạt động của doanh nghiệp; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Kết quả, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá tổng thể theo nhiệm vụ, mục tiêu, đặt trong bối cảnh của ngành, lĩnh vực hoạt động và thị trường. Thực hiện nguyên tắc đặt hàng đối với những nhiệm vụ chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh do Nhà nước giao và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, về đơn giản thủ tục và điều kiện kinh doanh, ông Phan Văn Mãi cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng gần 30%) thủ tục, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể gồm: Phê duyệt chiến lược kinh doanh 5 năm; phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm; phê duyệt phương án huy động vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính, trường hợp huy động vốn có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, khoản vay nước ngoài; phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên; ban hành Điều lệ đối với các doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ); phê duyệt Báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, một số nội dung phát sinh như quy trình người đại diện phần vốn nhà nước xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu ( Điều 27 dự thảo Luật) sẽ dẫn đến phát sinh các thủ tục hành chính, can thiệp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ.
Bổ sung lĩnh vực “rót" vốn nhà nước
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (Điều 12, Điều 13. Điều 14, Điều 15), theo ông Phạm Văn Mãi, dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật số 69 về phạm vi đầu tư vốn vào doanh nghiệp; thể chế hóa lĩnh vực, ngành nghề theo Nghị quyết số 12/NQ-TW “Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư” và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh”.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi |
Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Ngoài 4 lĩnh vực đã quy định tại Luật số 69/2014/QH13 (Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế), cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Cụ thể gồm: Doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ.
Về thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tại Điều 16 dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư có giá trị tương ứng với dự án quan trọng quốc gia theo quy định pháp luật đầu tư công.
Trường hợp đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước dưới mức dự án quan trọng quốc gia và đầu tư từ các nguồn khác, Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư.
Từ nội dung này, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Điều 11 dự thảo Luật cho phù hợp với nguyên tắc “vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp".
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có có 9 chương 63 Điều, tăng 1 Chương, 1 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/them-linh-vuc-can-nha-nuoc-rot-von-de-thanh-lap-doanh-nghiep-383543.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.