17:25 | 15/04/2025
Dệt may: Đầu tư tự động hóa hay rời bỏ 'cuộc chơi'? Xúc tiến xuất khẩu: ‘Lực đẩy’ mạnh cho dệt may mở thị trường Cơ hội đã đến, hợp tác dệt may Việt Nam - Armenia tăng tốc |
Nhiều doanh nghiệp đang thương thảo hợp đồng cho quý III/2025
Quý I/2025, dệt may tiếp tục đứng trong top 5 nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 tỷ USD trở lên, với 8,694 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tình hình đơn hàng khởi sắc ngay từ đầu năm là động lực chính giúp ngành đạt mức trưởng 2 con số.
Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành sợi thuộc Tập đoàn đã cắt lỗ và có lợi nhuận. Cùng với đó, tất cả các đơn vị ngành may đều có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt.
![]() |
Một số doanh nghiệp dệt may đang thương thảo hợp đồng cho quý III/2025. Ảnh minh họa |
Hiện, hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. Hầu hết, các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.
Với ngành may, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý III/2025.
Nhờ đơn hàng tốt, sản xuất, kinh doanh ổn định, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn quý I/2025 ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Tương tự với Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 85% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2025 và đã tiếp nhận đơn hàng cho quý III/2025.
Nhờ đó, 2 tháng đầu năm 2025, doanh thu của công ty mẹ đạt 635 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024, lợi nhuận lũy kế 2 tháng tăng 31%. Doanh thu dệt may tháng 2/2025 của Công ty đến từ 3 mảng chính trong đó sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 173% và sợi chiếm 4% tổng doanh thu.
Mở rộng không gian xuất khẩu
Hiện, Thành Công xuất khẩu hàng dệt may sang 4 châu lục và khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 với doanh thu 4.525,4 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả năm 2024; lợi nhuận sau thuế 278,7 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm 2024.
Để đạt mục tiêu này, Thành Công tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Đầu tư cho thiết kế theo yêu cầu khách hàng và thiết kế nhãn hàng riêng của công ty hướng đến ODM.
![]() |
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng khách hàng, thị trường mới để gia tăng doanh thu xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đặc biệt đối với mặt hàng vải sợi nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan về nguồn gốc xuất xứ từ các Hiệp định tự do thương mại (FTA).
Đa dạng hóa thị trường là nhiệm vụ chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. Phát biểu tại buổi họp với Chính phủ tổ chức gần đây, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhấn mạnh, doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, thị trường Halal, Nam Mỹ nhằm tận dụng ưu đãi, mở rộng thị phần.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu và chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng… và khả năng hợp tác thương mại, đầu tư với dệt may Việt Nam. Tổ chức kết nối giao thương nhiều hơn để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác.
“Xúc tiến nhanh đàm phán FTA ASEAN - Canada hoặc có thể khởi động song phương FTA Việt Nam - Canada để có thể quy định xuất xứ 2 công đoạn mà dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà hai nước là thành viên”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.
Đa dạng hóa thị trường là nhiệm vụ được Bộ Công Thương tích cực triển khai thời gian qua. Nói về điều này, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - thông tin, việc chủ động khai mở các thị trường mới là yêu cầu cấp thiết, không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường, mà còn giúp Việt Nam tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu.
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Việc khai thác hiệu quả các FTA không chỉ liên quan tới câu chuyện về giảm thuế, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế" - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.
Đơn hàng ổn định ngay từ đầu năm giúp ngành dệt may đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai con số trong quý I/2025. Cùng đó, một số doanh nghiệp lớn đạt doanh thu, lợi nhuận tích cực. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/don-hang-tot-doanh-nghiep-det-may-thu-lai-lon-383157.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.