16:49 | 15/04/2025
Hải Phòng: Xử phạt hơn 40,8 tỷ đồng vi phạm giao thông Hải Phòng: Hướng phát triển dài hạn cho cộng đồng doanh nhân Bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng |
Ban Chấp hành Trung ương vừa thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, dự kiến hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương với trung tâm hành chính tại TP. Hải Phòng. Phóng viên Báo Công Thương có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng xung quanh vấn đề này.
![]() |
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng |
- Ông đánh giá như thế nào về dự kiến sáp nhập tỉnh, thành Hải Phòng và Hải Dương và việc hợp nhất được TP. Hải Phòng triển khai cụ thể như thế nào thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, lấy tên gọi là TP. Hải Phòng và đặt trung tâm chính trị - hành chính tại TP. Hải Phòng.
Về địa lý hành chính, Hải Phòng hiện có diện tích hơn 1.507 km2, dân số hơn 2,7 triệu người, trong khi Hải Dương rộng hơn 1.662 km2, dân số khoảng 1,97 triệu người. Sau khi sáp nhập tỉnh, đơn vị hành chính mới sẽ có tổng diện tích xấp xỉ 3.169 km2 và quy mô dân số lên đến hơn 4,6 triệu người, vượt trội so với phần lớn các địa phương trên cả nước.
Việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh Hải Dương và Hải Phòng không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn kết hợp những thế mạnh riêng biệt của từng địa phương, tạo nên một vùng kinh tế tổng hợp với tiềm năng lớn.
Hiện, Hải Phòng và Hải Dương hợp tác trong việc xây dựng và hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố. Theo đó, hai địa phương sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù đang được Hội đồng Nhân dân của mỗi tỉnh phê duyệt cho các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động đề xuất phương án xử lý sau sáp nhập tỉnh, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Trung ương.
![]() |
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Thành ủy lần thứ 19 triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh Hải Phòng và Hải Dương hợp tác trong việc xây dựng và hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố |
Quan điểm là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi hơn cho cả người dân và doanh nghiệp hơn thì sẽ tiếp tục được duy trì để người dân ở cả hai địa phương đều được hưởng những kết quả tích cực từ việc sáp nhập.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng chiến lược cũng như nghiên cứu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và Hải Dương để đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị để biến lợi thế của cả hai địa phương thành dư địa và động lực phát triển mới của thành phố trong tương lai.
- Hải Phòng có giải pháp gì để bảo đảm vừa sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp?
Ông Lê Tiến Châu: Đảng ủy - UBND TP. Hải Phòng cũng chủ động nghiên cứu và đề xuất các phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (như trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách...) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Với số lượng đầu mối cấp xã trực thuộc thành phố rất lớn, hiện TP. Hải Phòng đang nghiên cứu, có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo và phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời, hoàn thành trong tháng 5/2025.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% của năm 2025, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15,65% của giai đoạn 2026 - 2030.
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng trong thời gian tới tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn nào thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Hải Phòng sẽ tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên chất lượng, chiều sâu và tính bền vững. Với tinh thần đi trước một bước, hành động nhanh một nhịp, trong đó, hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 8/2025.
![]() |
Cảng Hải Phòng là cảng biển lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò đầu mối giao thương quốc tế quan trọng. Hệ thống cảng bao gồm cụm cảng Lạch Huyện, Đình Vũ, Tân Vũ, Nam Đình Vũ… với tổng số khoảng 70 - 74 bến cảng, được quy hoạch có khả năng thông qua hơn 215 triệu tấn hàng hóa mỗi năm vào năm 2030 |
Tập trung phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo đúng định hướng xanh, sinh thái, trở thành điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp công nghệ cao. Tập trung các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển đoàn kết, lớn mạnh, tăng cường khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường đa dạng, bên cạnh thị trường Mỹ là các thị trường tiềm năng như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Nga.
Mặt khác, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện. Tiếp tục duy trì thứ hạng và chất lượng các chỉ số về cải cách hành chính (Par Index); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Tập trung nâng cao thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2025 nằm trong top 3 địa phương dẫn đầu. Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng chiến lược như: Các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện, Cảng Nam Đồ Sơn, Sân bay Tiên Lãng và đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/hai-phong-bien-loi-the-thanh-du-dia-phat-trien-thanh-pho-383115.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.