Bộ Công Thương sẽ ký 4 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Bộ Công Thương ký thỏa thuận hợp tác với bộ, ngành, địa phương Trung Quốc.
Việt Nam - Trung Quốc thống nhất mở rộng hợp tác chuỗi cung ứng, sản xuất, công nghệ cao Thương mại Việt -Trung: Bộ Công Thương thúc đẩy hợp tác sâu tới nhiều địa phương Hai nhà lãnh đạo Việt - Trung chứng kiến trưng bày loạt văn kiện hợp tác giữa hai nước

Mở ra không gian hợp tác công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ cao

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết: Hợp tác với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc đang được Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, địa phương hai nước đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và đạt được thành quả đáng ghi nhận.

Đáng chú ý, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả tới tận các cấp địa phương.

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động thúc đẩy giao lưu, kết nối với các địa phương là thị trường truyền thống của Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam; đồng thời tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ thương mại với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh khác của Trung Quốc như Sơn Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thượng Hải, Giang Tô và tới đây sẽ là Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam...

Bộ Công Thương sẽ ký 4 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả tới tận các cấp địa phương

Nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng, thực chất hơn giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ 14 - 15/4, Bộ Công Thương sẽ ký kết 4 thỏa thuận hợp tác với các bộ, ngành, địa phương của phía Trung Quốc.

Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài nhấn mạnh, những văn kiện này sẽ giúp tạo điều kiện để mở rộng kênh quảng bá hình ảnh thương hiệu các sản phẩm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc;

Đồng thời, những văn kiện ký kết hợp tác dịp này cũng sẽ góp phần kết nối với các thị trường lân cận khác, từ đó từng bước gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu một cách bền vững.

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn cũng nhận định, thông qua các văn kiện này, việc trao đổi thông tin chính sách, nhu cầu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp cũng sẽ được triển khai tích cực hơn.

Đáng chú ý, trong số các văn kiện ký kết dịp này có 2 văn kiện hợp tác giữa Bộ Công Thương được ký với các địa phương của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hải Nam.

Việc tăng cường hợp tác với hai địa phương này không chỉ góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các địa phương hai nước, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ cao.

Bộ Công Thương sẽ ký 4 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc
Năm 2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 - 20/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc

Thiết lập quan hệ chặt chẽ với 9 địa phương Trung Quốc

Gần đây nhất, năm 2024 trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 - 20/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc.

Các văn kiện hợp tác bao gồm Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Như vậy, cho đến nay, Bộ Công Thương đã thiết lập quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với 9 địa phương Trung Quốc; qua đó tăng cường, mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam với các địa phương nhiều tiềm năng và có những thế mạnh riêng của Trung Quốc.

Thời gian tới, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao trong nước, đồng thời hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và xuất phát từ nhu cầu thực tế và đề xuất của doanh nghiệp hai nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực liên kết điện, qua đó tận dụng tiềm năng, lợi thế của từng khu vực khác nhau để mở rộng quy mô thương mại điện với Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam có kim ngạch song phương vượt mốc 200 tỷ USD.

Trung Quốc duy trì 20 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Theo thống kê của Trung Quốc năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật, Hàn).

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 51,2 tỷ USD, tăng 17,46% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 13,17 tỷ USD, tăng 0,5%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 38,07 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Hoàng Hòa

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.