Bất động sản nghỉ dưỡng có ‘nóng’ sau sáp nhập tỉnh?

Sáp nhập tỉnh mở ra kỳ vọng mới cho thị trường địa ốc. Bất động sản nghỉ dưỡng có “nóng” lên như kỳ vọng hay chỉ là cơn sóng ngắn hạn?
Đà Nẵng chuẩn bị nhà công vụ cho cán bộ sau sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành lập tổ công tác triển khai sáp nhập tỉnh Bất động sản vùng nào tăng vọt sau tin sáp nhập tỉnh?

Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, đặc biệt là việc sáp nhập tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, đang tạo nên làn sóng quan tâm không chỉ trong giới hành chính mà còn cả trên thị trường bất động sản.

Trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố hạ tầng, hành chính và quy hoạch đang được đặt câu hỏi: Liệu có trở thành “điểm nóng” mới sau sáp nhập?

Từ kỳ vọng hành chính đến thực tế đầu tư

Khi hai hay nhiều tỉnh được hợp nhất, bộ máy hành chính sẽ được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, đồng nghĩa với việc các trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa mới sẽ hình thành. Tâm lý nhà đầu tư lập tức bị kích hoạt bởi kỳ vọng về làn sóng đầu tư công đi kèm, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, tái quy hoạch đô thị, phát triển dịch vụ và du lịch.

Sun Tropical Village là tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng mang phong cách nhiệt đới đầu tiên thuộc hệ sinh thái Sun Group ở Nam đảo Phú Quốc.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang được kỳ vọng bứt phá sau sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, liệu thị trường có thật sự “nóng” như nhà đầu tư mong đợi? Ảnh minh họa

Những kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào các tiền lệ trước đây, từ câu chuyện mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội năm 2008, đến việc thành lập thành phố Thủ Đức năm 2021, giá trị bất động sản tại các vùng được “nâng cấp” đều chứng kiến mức tăng đáng kể, đặc biệt ở các phân khúc có tiềm năng nghỉ dưỡng và du lịch.

Tuy nhiên, điều cần cảnh tỉnh là không phải cứ sáp nhập là bất động sản nghỉ dưỡng sẽ “nóng”. Nhiều khu vực sau sáp nhập vẫn vật lộn với bài toán quy hoạch chồng lấn, thiếu nguồn lực triển khai hạ tầng, hay thậm chí là mâu thuẫn giữa các địa phương cũ và mới trong việc phân bổ nguồn lực phát triển.

Bất động sản nghỉ dưỡng vì vậy chỉ thực sự bật lên khi hội tụ đủ ba yếu tố: Vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng du lịch có sẵn và đặc biệt là tầm nhìn quy hoạch dài hạn rõ ràng từ chính quyền mới sau sáp nhập.

Thị trường đang phản ứng ra sao?

Theo khảo sát của một số sàn giao dịch bất động sản lớn tại miền Trung và Tây Nguyên, lượng nhà đầu tư quan tâm tới các dự án nghỉ dưỡng ven biển, ven hồ, vùng núi có khí hậu ôn hòa đang có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời gian trầm lắng.

Tuy nhiên, chưa ghi nhận sự bùng nổ về giao dịch, mà chủ yếu là các động thái “gom đất”, chờ quy hoạch. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang hành động theo hướng “đi trước một bước”, nhưng vẫn dè chừng vì còn thiếu thông tin chính thức về quy hoạch sau sáp nhập.

Đáng chú ý, giới đầu tư chuyên nghiệp không còn chạy theo hiệu ứng đám đông như trước. Họ tập trung vào các tài sản có pháp lý rõ ràng, có tiềm năng vận hành du lịch thực sự, thay vì chỉ mua đất theo tin đồn.

Các mô hình bất động sản nghỉ dưỡng gắn với xu hướng mới như wellness resort (nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe), farmstay (du lịch kết hợp trang trại) hay homestay cao cấp đang được chú ý nhiều hơn so với các dự án condotel (căn hộ khách sạn) hay biệt thự biển truyền thống.

Thị trường cần gì để “nóng” bền vững?

Câu trả lời không chỉ nằm ở các quyết định hành chính mà ở chính cách mà các tỉnh, sau sáp nhập, định hình tầm nhìn phát triển mới. Nếu quy hoạch không nhất quán, thiếu bản sắc và chỉ chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chỉ “nóng ảo”.

Ngược lại, nếu chính quyền mới tận dụng cơ hội sáp nhập để tái định vị du lịch địa phương, đầu tư hạ tầng bài bản, khai thác bền vững tài nguyên cảnh quan, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược phát triển dự án quy mô lớn, thì bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể trở thành mũi nhọn kinh tế.

Quan trọng hơn, sự “nóng” đó cần đến từ nhu cầu thực khi người dân và du khách tìm đến để trải nghiệm, nghỉ dưỡng thật sự, chứ không phải từ kỳ vọng lướt sóng.

Bất động sản nghỉ dưỡng tự thân nó không “nóng” lên vì một quyết định hành chính. Nhưng nó có thể trở thành “điểm sáng” nếu đi cùng với chiến lược quy hoạch thông minh, phát triển bền vững và hạ tầng đồng bộ. Nhà đầu tư thông minh lúc này cần quan sát kỹ các động thái chính sách, đánh giá tiềm năng địa phương một cách tỉnh táo, thay vì lao vào “cuộc chơi thông tin” đầy rủi ro.
Thanh Bình

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.