Hà Giang làm gì để thành điểm đến văn hóa hàng đầu?

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều giá trị văn hóa độc đáo, tỉnh Hà Giang đang có nhiều lợi thế trở thành điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á.
Hà Giang đã sẵn sàng các điều kiện để đón khách du lịch trở lại Hà Giang: Kết nối thúc đẩy phát triển du lịch bền vững Người tiên phong, góp công làm nên du lịch Hà Giang

Sức hút miền núi đá

Chiều 12/4, Diễn đàn xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Hà Giang - Điểm đến văn hoá khu vực hàng đầu châu Á” do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nghệ sĩ và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.

Hà Giang sỡ hữu cảnh quan, văn hoá đặc sắc
Hà Giang sở hữu cảnh quan thiên nhiên, văn hoá truyền thống đặc sắc

Hà Giang là vùng đất địa đầu Tổ quốc, mang vẻ đẹp trác tuyệt của thiên nhiên núi non, cùng chiều sâu văn hóa được gìn giữ qua bao thế hệ. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - chia sẻ, cứ mỗi lần trở lại Hà Giang là một lần rung động. Không nơi nào khác khiến bản thân ông thấy một bản sắc đậm đà, mê hoặc đến vậy. “Với nghệ sĩ, Hà Giang là kho tư liệu sống động cho nghệ thuật: Từ đèo Mã Pì Lèng mây phủ, cột cờ Lũng Cú thiêng liêng, đến chén trà Shan tuyết thơm ngát...”- Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc bày tỏ.

Tuy nhiên, làm thế nào để biến những giá trị bản sắc ấy trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đủ sức “giữ chân” du khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại đang đặt ra những "bài toán" đầy thách thức đối với tỉnh Hà Giang.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hà Giang không thiếu nguyên liệu để làm du lịch cảnh quan, văn hóa, con người... nhưng để "chế tác" thành sản phẩm hấp dẫn, chạm tới cảm xúc du khách, cần nhiều tâm huyết và sáng tạo. “Điểm mấu chốt là phải đầu tư vào trải nghiệm đặc trưng, tạo ra các câu chuyện du lịch, đồng thời kết nối cộng đồng vào chuỗi giá trị để không chỉ phát triển kinh tế mà còn giữ gìn văn hóa và thiên nhiên nguyên bản”- ông Siêu nhấn mạnh.

ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đỗ Nga

Tăng nhận diện trên môi trường số

Chuyên gia chuyển đổi số Nguyễn Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietISO - cho rằng, Hà Giang nổi bật trong thực tế là chưa đủ mà cần nổi bật cả trên môi trường số. Theo đó, địa phương cần xây dựng bộ nhận diện du lịch Hà Giang nhất quán trên các nền tảng quốc tế; phát triển hệ sinh thái du lịch số gồm cổng thông tin điện tử, bản đồ số, app du lịch, trải nghiệm ảo (AR/VR), hệ thống booking online và dữ liệu du lịch đầy đủ. “Chỉ khi Hà Giang hiện diện trên Google, TripAdvisor, TikTok... với nội dung hấp dẫn, chính xác, có hình ảnh, video sống động, khách du lịch quốc tế mới dễ dàng tiếp cận và quyết định lựa chọn” - ông Tâm nhấn mạnh.

Để du lịch Hà Giang thực sự “cất cánh”, nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng, địa phương cần có thêm sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông. Ngoài ra, Hà Giang hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một điểm đến du lịch hàng đầu nhờ thiên nhiên tráng lệ, con người mến khách, bản sắc văn hóa đặc sắc, du lịch tâm linh, lịch sử cách mạng, và đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền địa phương. Những yếu tố này nếu được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một Hà Giang không chỉ đẹp trong mắt người yêu du lịch mà còn trở thành chất liệu quý giá cho nghệ thuật và sáng tạo.

Còn theo ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa thực sự không dễ đòi hỏi sự sâu sắc, nhất quán và kiên trì. "Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiện có trên 17.000 hội viên doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với tỉnh Hà Giang để phát triển bộ sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng, trong đó ưu tiên mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống, ẩm thực bản địa và các tour “sống chậm”, khám phá văn hóa vùng cao nguyên đá"- ông Vũ Thế Bình nói.

bà Vương Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Bà Vương Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Anh Đức

Theo các chuyên gia, Hà Giang cần mở rộng các không gian trải nghiệm trà Shan tuyết, tạo điểm đến mới quanh các vùng chè cổ thụ, liên kết với nghệ nhân địa phương để phát triển du lịch trà – văn hóa – sức khoẻ như một hướng đi riêng biệt và cao cấp.

Với sức hút riêng có của miền núi đá, bà Vương Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, du lịch Hà Giang những năm qua đã có bước phát triển nổi bật, thu hút hơn 3,2 triệu lượt khách chỉ trong năm 2024 và thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng quốc tế danh giá như The New York Times hay World Travel Awards...

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Ngọc Hà, để du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế cho người dân và thúc đẩy phát triển bền vững, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm bền vững; quản lý điểm đến gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nhân lực; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến chuyên nghiệp.

Chúng tôi cam kết hợp tác, lắng nghe và hành động để Hà Giang không chỉ là miền đất mê hoặc, mà còn là điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á” - bà Vương Ngọc Hà nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, tỉnh Hà Giang đã công bố chương trình Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2025. Chợ Phong lưu Khâu Vai, hay còn gọi là Chợ tình Khâu Vai năm nay có chủ đề “Khâu Vai ngày trở lại” diễn ra từ ngày 22-24/4, gồm nhiều hoạt động phong phú, như: Chợ đêm Mèo Vạc, không gian văn hóa chợ vùng cao; các chương trình nghệ thuật tại Tượng đài Thanh niên xung phong, quán cà phê Vườn Đào; các tour tham quan Mê cung đá, cầu tình yêu, vách đá trắng Mã Pì Lèng, đi thuyền ngắm hẻm vực Tu Sản… góp phần mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách.
Bảo Thoa

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.