19:02 | 11/04/2025
Chấn chỉnh "bữa ăn thiếu chất"
Thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến những hình ảnh về bữa ăn trưa được cho là nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Hóa (Trường PTDTNT THCS Quan Hóa - huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Ngay sau khi sự việc được báo chí phản ánh, UBND huyện và Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra và đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
![]() |
Lùm xùm 'bữa ăn thiếu chất' tại Trường PTDTNT THCS Quan Hóa. Ảnh: Quốc Huy |
Theo báo cáo ngày 27/3/2025 của Trường PTDTNT THCS Quan Hóa gửi UBND huyện Quan Hóa, nhà trường giải trình rằng, hiện học sinh tại trường có định mức ăn 50 nghìn đồng/học sinh/ngày, trong đó bữa sáng là 10 nghìn, bữa trưa và bữa tối mỗi bữa 20 nghìn (bao gồm cả tiền gạo, gia vị, nước rửa bát, tiền chất đốt và tiền thức ăn).
Với việc định mức 2 bữa ăn chính bao gồm cả tiền gia vị, tiền gạo, chất đốt và giá cả thực phẩm tăng nên khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chia sẻ: Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về chất lượng bữa ăn tại Trường PTDTNT THCS Quan Hóa, UBND huyện Quan Hóa đã yêu cầu kiểm tra và đề nghị nhà trường cân đối, tính toán khẩu phần ăn của học sinh để đảm bảo đủ dinh dưỡng, khoa học, phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số và giá cả thị trường.
![]() |
Khu vực đựng khay cơm trước khi được chia cho học sinh. Ảnh: Quốc Huy |
“Sau khi có thông tin phản ánh. UBND đã kịp thời chỉ đạo kiểm tra và định hướng tháo gỡ khó khăn trong công tác nuôi dưỡng của nhà trường. Theo tôi, mức ăn 50 nghìn/ngày/3 bữa trên mặt bằng giá cả thị trường của huyện Quan Hoá là tương đối thấp”, ông Toàn chia sẻ.
Cũng theo ông Toàn, UBND huyện Quan Hóa cũng đã yêu cầu nhà trường phải lựa chọn những đơn vị cung ứng thực phẩm đủ tư cách pháp nhân, giá thành cạnh tranh, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời phải tích cực phối hợp với đại diện cha mẹ học sinh để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các khâu trong tổ chức bữa ăn cho học sinh; mọi thông tin đều phải công khai, minh bạch.
![]() |
Các học sinh được chuyển sang ăn cơm bằng khay. Ảnh Quốc Huy |
Bữa ăn phải được nấu từ “tâm”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trịnh Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Quan Hóa cho biết, hiện nhà trường đang có 197 học sinh/4 khối. Theo quy định, mỗi học sinh sẽ được hưởng chế độ 1.872.000 đồng/tháng. Trong đó sẽ chia ra 50 nghìn đồng tiền ăn một ngày cho một học sinh (bữa sáng 10 nghìn đồng, bữa trưa và chiều mỗi bữa 20 nghìn đồng, bao gồm cả tiền gạo, tiền gia vị, tiền chất đốt, tiền thức ăn và tiền nước rửa bát).
“Sau khi nhận ra bất cập trong tổ chức bữa ăn, từ ngày 1/4 chúng tôi đã họp và lấy ý kiến phụ huynh, sẽ tách riêng phần chất đôt, tiền nước rửa bát sẽ không tính vào khẩu phần ăn. Ngoài ra cũng từ 1/4, nhà trường sẽ tổ chức cho các học sinh ăn vào từng khay để đảm bảo cháu nào ăn cũng sẽ đầy đủ, riêng cơm và canh thì cháu nào hết sẽ tiếp tục lấy thêm”, ông Tiến chia sẻ.
![]() |
Khẩu phần một bữa ăn trưa tại Trường PTDTNT THCS Quan Hóa. Ảnh: Quốc Huy |
Theo ghi nhân của phóng viên, bữa ăn trưa tại Trường PTDTNT THCS Quan Hóa được cải thiện, tổ chức bài bản, sạch sẽ; các cháu sẽ xếp hàng và lấy khay cơm chia theo khối. Trước khi ăn sẽ có người đánh kẻng và toàn bộ học sinh sẽ đứng dậy, mời thầy cô và các bạn cùng ăn cơm, tạo nên bữa cơm quy củ và đoàn kết.
Còn theo đánh giá của ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, nhà trường đã họp phụ huynh và chia khẩu phần ăn theo khay (tiền chất đốt tính riêng), qua kiểm tra cho thấy chất lượng bữa ăn đã được nâng lên.
![]() |
Bữa ăn của các học sinh Trường PTDTNT THCS Quan Hóa đã được cải thiện. Ảnh: Quốc Huy |
Việc đảm bảo dinh dưỡng trong trường học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục dành cho học sinh dân tộc nội trú không chỉ là một yêu cầu về mặt chăm sóc sức khỏe, mà còn thể hiện trách nhiệm của những người có liên quan. Chính vì vậy, mỗi bữa cơm phải được nấu từ “tâm”; để mỗi bữa ăn không chỉ để nuôi dưỡng về mặt thể chất mà còn cả về tinh thần, bởi lẽ nơi đây là ngôi nhà thứ 2, là nơi chắp cánh cho ước mơ của những đứa trẻ vùng đồng bào thiểu số.
Sự việc tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa có thể chưa đến mức nguy hiểm, gây hậu quả lớn nhưng đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm công tác giáo dục. Việc cải thiện bữa ăn cho học sinh là điều cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục, thể hiện tinh thần trách nhiệm từ tâm. Với những đứa trẻ vùng cao, một bữa ăn đủ đầy không chỉ là no bụng, mà còn là chất xúc tác tiếp thêm động lực, nuôi dưỡng ước mơ vượt núi, vươn lên. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/thanh-hoa-cai-thien-bua-an-thieu-chat-tai-truong-noi-tru-quan-hoa-382580.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.